Sáng 22/6, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy giải trình, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với 468/477 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ gần 95%.
Luật Giao dịch điện tử sửa đổi gồm 7 chương, 54 điều. Trong đó, theo điều 6, chương I, có tám hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử gồm:
1. Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
3. Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.
4. Xóa, hủy, giả mạo, sao chép, làm sai lệch, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.
5. Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.
6. Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.
7. Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.
8. Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.
So với Luật Giao dịch điện tử từ 2005, Luật sửa đổi đã bổ sung ý số 1. Bên cạnh đó, phạm vi cấm "gian lận, giả mạo, chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật" trong điều 6 cũng được mở rộng thêm với tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, thay vì chỉ áp dụng cho chữ ký điện tử như luật cũ.
Theo Luật sửa đổi, nhiều thành phần trong giao dịch điện tử sẽ có giá trị tương đương trong văn bản giấy. Ví dụ trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, thông báo dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thông báo bằng văn bản giấy. Chữ ký số cũng có giá trị pháp lý tương đương chữ ký của cá nhân trên giấy. Dữ liệu chủ trong cơ sở dữ liệu quốc gia có giá trị sử dụng chính thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tuy nhiên để thay văn bản giấy, thông điệp dữ liệu được chuyển đổi phải đáp ứng các yêu cầu: Thông tin bảo đảm toàn vẹn như văn bản giấy; có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu; có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi.
Trong bối cảnh các giao dịch xuyên biên giới ngày càng phát triển, Luật sửa đổi cũng công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam, với điều kiện có văn phòng đại diện tại Việt Nam; được thành lập và hoạt động hợp pháp tại quốc gia đăng ký hoạt động; có báo cáo kiểm toán kỹ thuật. Chữ ký điện tử do đơn vị nước ngoài cung cấp phải phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ quy định chi tiết việc công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài, chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam.
Luật Giao dịch điện tử lần đầu được ban hành năm 2005, được đánh giá có vai trò quan trọng, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy giao dịch điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính. Tuy nhiên, Luật tồn tại một số bất cập về quy định đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch điện tử, quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử.
Theo tờ trình của cơ quan soạn thảo, Luật sửa đổi được xây dựng theo hướng phù hợp với sự phát triển của nền công nghiệp 4.0 và kinh tế số, phù hợp với điều ước quốc tế liên quan đến thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để tạo thuận lợi thúc đẩy sự phát triển cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia vào hoạt động giao dịch điện tử.