Nỗi lo dân số giảm nhanh: Nhiều người đề nghị áp thuế độc thân
Trước đây, năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã từng đưa ra ý tưởng "thuế áp dụng riêng với người độc thân". Điều này nhận sự chỉ trích dữ hội từ cộng đồng lúc đó, đồng thời cũng bị cơ quan công quyền bác bỏ vì cho rằng không thực tế.
Tuy nhiên gần đây, trên các cộng đồng trực tuyến, các cuộc thảo luận xung quanh việc "nên hay không nên áp dụng thuế với người độc thân" lại nhận được sự quan tâm. Những người ủng hộ cho rằng độc thân tạo gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội, còn các chuyên gia cảnh báo đánh thuế người độc thân làm trầm trọng hơn về tỷ lệ sinh thấp.
Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc giảm kỷ lục đang là nỗi lo ngại lớn tại xứ sở kim chi. Ngày 22/2, Văn phòng Thống kê Quốc gia Hàn Quốc công bố trong năm 2022, số trẻ sơ sinh trên một phụ nữ của Hàn Quốc là 0,78, thấp nhất từ trước tới nay. Tỷ lệ này từng ghi nhận ở mức 0,81 vào năm 2021 - thấp nhất trong hơn 260 quốc gia được Ngân hàng Thế giới theo dõi lúc đó. Sau 1 năm, tình hình không biến chuyển tích cực mà còn trầm trọng thêm, gia tăng những thách thức về dân số già đối với nền kinh tế.
Hàn Quốc là nước có dân số giảm nhanh nhất thế giới, xét riêng các nền kinh tế có tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người từ 30.000 USD trở lên, theo nhận định của Liên Hợp Quốc và dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Trong khi, số trẻ sơ sinh giảm từ 260.600 bé vào năm 2021 xuống còn 249.000 vào năm 2022, nước này còn ghi nhận khoảng 373.000 người chết năm ngoái. Nhiều nhà hoạch định chính sách gọi đây là "điểm giao tử". Đến năm 2100, dân số nước này được dự đoán sẽ giảm 53%, xuống còn 24 triệu người.
Một điều đáng chú ý khác chính là độ tuổi trung bình của phụ nữ sinh con đầu lòng ở Hàn Quốc ngày càng tăng lên. Vào năm ngoái, con số này là 33 tuổi. Số người quyết định sinh con thứ hai cũng giảm 16,8%.
Việc thiếu trẻ sơ sinh mang đến những rủi ro dài hạn cho nền kinh tế, làm giảm quy mô của lực lượng lao động, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và sức sống của nhiều ngành nghề. Chi tiêu phúc lợi cho dân số già cũng làm cạn kiệt ngân sách quốc gia, đáng lẽ có thể được sử dụng để nghiên cứu phát triển và thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp.
Chính vì thế, lập luận của nhóm ủng hộ áp dụng thuế độc thân nhấn mạnh vào nhu cầu cấp thiết để bảo vệ sự tồn tại của quốc gia và cộng đồng.
"Sự sụt giảm này là điều đáng lo ngại. Nhiều người lo ngại tương lai của quốc gia đang gặp rủi ro nên dù phải áp dụng các biện pháp trừng phạt thì ‘thuế cho người độc thân’ cũng nên được ban hành và sớm áp dụng", nhóm ủng hộ nêu.
Bên cạnh đó, họ cũng nêu ra nỗi lo người độc thân trở thành gánh nặng lúc về già. Việc phụ thuộc hoàn toàn vào các chính sách an sinh không chỉ gây mất cân bằng trong hỗ trợ xã hội mà còn thiếu công bằng với người có con.
Cuộc khảo sát với hơn 4.000 người trong độ tuổi 20-50, thực hiện hồi tháng 5 vừa qua trên nền tảng của công ty SM C&C, đã đề cập đến các chủ đề về tình trạng độc thân, đánh thuế người chưa kết hôn và tỷ lệ sinh con thấp.
Theo đó, 21% ủng hộ nên áp dụng thuế cho người chưa lập gia đình hoặc thuế không sinh con; 16% trong độ tuổi 30 (nhóm có thể trở thành đối tượng phải đóng thuế nếu áp dụng) tỏ ra không chắc chắn và 26% người ở độ tuổi 50 tán thành cao nhất.
Gánh nặng chi phí khi làm người độc thân
Không chỉ người độc thân tại Hàn Quốc đối mặt với áp lực tài chính lớn, tại Mỹ, cộng đồng này cũng "đau đầu" không ít.
Hãng tin Bloomberg dẫn dữ liệu của Công ty bất động sản toàn cầu Zillow cho biết, những người sống một mình tại Mỹ đang phải đối mặt với khoản "thuế độc thân" khổng lồ lên tới 19.500 USD/năm, thậm chí là 24.000 USD/năm (tương đương từ 450 đến hơn 600 triệu VNĐ/năm).
Số tiền này áp dụng với những trường hợp đi thuê căn hộ một phòng ngủ. Hầu hết các khu vực trên toàn nước Mỹ đều yêu cầu nhóm sống một mình trả thêm thuế so với các cặp vợ chồng ở cùng địa điểm. Quy mô "thuế độc thân" sẽ sẽ dao động tùy thuộc vào nơi cư trú, song nhìn chung đều rất cao.
Một cuộc khảo sát khác của Forbes cũng chỉ ra kết quả: Có tới 93% người Mỹ độc thân cảm thấy áp lực trước loại thuế này. 30% trong số những người được hỏi thừa nhận họ phải cố gắng duy trì mối quan hệ yêu đương lâu hơn một phần vì lợi ích tài chính.
Tại một số thành phố lớn và đắt đỏ, con số này luôn nằm trên mức 10.000 USD, chẳng hạn như San Francisco (14.000 USD thuế), San Jose (12.401 USD thuế), San Diego (11.774 USD thuế) và Boston (11.546 USD thuế)... Điều này khiến thu nhập và tiền tiết kiệm của họ đều bị rút cạn một cách nhanh chóng. Nếu muốn cắt giảm, họ buộc phải sống ở đô thị với chi phí rẻ hơn như Detroit và Cleveland với khoản thuế khoảng 4.000 USD.
Trong khi đó, các cặp vợ chồng có thể chia sẻ mọi sinh hoạt phí từ tiền nhà, ăn uống đến hưởng lợi thế về thuế. Những gia đình có 2 người sẽ tiết kiệm trung bình 14.000 USD khi sống cùng nhau. Ở những khu vực đắt đỏ nhất, như New York và San Francisco, họ có thể tiết kiệm khoảng 28.227-39.000 USD.
*Nguồn: SM C&C, Bloomberg…