Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 17/3, CTCP Yamagata đã hoàn tất chi 1.650 tỷ đồng để mua lại 3 lô trái phiếu trước hạn với mã lần lượt là YMGH1929003, YMGH1929005, YMGH1929002.
Cả 3 lô đều được phát hành vào tháng 1/2019, kỳ hạn 10 năm với tổng giá trị ở thời điểm phát hành là 8.000 tỷ đồng. Sau giao dịch mua lại trước hạn, giá trị còn lại của 3 lô trái phiếu này là hơn 1.806 tỷ đồng.
Trước đó vào tháng 10 và 12/2022, HNX cũng đã công bố thông tin Yamagata đã chi khoảng 3.959 tỷ đồng để mua lại trước hạn các lô trái phiếu nói trên.
Yamagata được thành lập tháng 7/2009 với vốn điều lệ ban đầu là 40 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là hoàn thiện công trình xây dựng. Người đại diện pháp luật hiện tại là Trần Thị Thu Trang (sinh năm 1982). Ngoài ra, bà Trang còn đang là đại diện tại CTCP Bệnh viện Sao Đông Bắc.
Tới tháng 1/2019, quy mô vốn của Yamagata đã được nâng lên mức 100 tỷ đồng. Lúc này, công ty đã chuyển sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn với sự tham gia góp vốn của 2 cá nhân là bà Quách Mai Vân và bà Trần Thị Thu Trang với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 2% và 98%.
Sau đó, Yamagata đã tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 1.550 tỷ đồng thông qua phát hành 145 triệu cổ phần ưu đãi cổ tức. Ngày 15/10/2020, Yamagata đã chuyển đổi mô hình từ Công ty TNHH Một thành viên Yamagata sang CTCP Yamagata như hiện tại.
Là doanh nghiệp kín tiếng, nhưng Yamagata đã gây chú ý khi tính đến giữa năm 2019, công ty đã thực hiện 29 đợt phát hành trái phiếu, kỳ hạn từ 2 đến 10 năm. Tổng dư nợ gốc trái phiếu của Yamagata đến cuối tháng 6/2019 đạt hơn 15.900 tỷ đồng.
Cùng với Yamagata, nhóm doanh nghiệp lạ gồm Azura, Ataka và Hakuba vào cuối năm 2019 đã phát hành tổng cộng gần 25.000 tỷ đồng trái phiếu với kì hạn 10 năm. Tại thời điểm phát hành, vốn điều lệ của những doanh nghiệp này ở mức vài chục đến vài trăm tỷ đồng, rất nhỏ so với quy mô trái phiếu phát hành.
Đồng thời, những thông tin liên quan đến trái phiếu như lãi suất, tài sản đảm bảo hay trái chủ không được các bên tiết lộ.
Mặc khác, nhóm doanh nghiệp này sở hữu lượng lớn chứng chỉ tiền gửi của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Trong đó, một phần chứng chỉ tiền gửi cũng được các doanh nghiệp thế chấp tại Công ty Chứng khoán VPBS (VPS) để làm tài sản bảo đảm cho một số lô trái phiếu.