VOS:
CTCP Vận tải biển Việt Nam (mã VOS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với doanh thu 1.872 tỷ đồng, tăng 80% so với thực hiện năm trước. Tuy nhiên, việc kinh đoanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp âm 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 30 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu tài chính gần như đi ngang và các chi phí cũng không được tiết giảm, song khoản thu nhập khác lên tới 393 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 422 triệu đồng vào năm trước. Kết quả, Vosco báo lãi sau thuế tăng đột biến từ 1 tỷ đồng trong cùng kỳ lên 284 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất của doanh nghiệp vận tải biển này.
Lũy kế 6 tháng, Vosco ghi nhận doanh thu 2.969 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng vọt 384% so với nửa đầu năm 2023 lên mức 358 tỷ đồng.
Vosco chưa công bố giải trình kết quả kinh doanh, song tại ĐHĐCĐ năm 2024, công ty cho biết sẽ bán tàu dầu sản phẩm Đại Minh, trọng tải 47.148 DWT đóng năm 2004 tại Nhật Bản do tàu đã trên 20 tuổi, là tuổi cao, khó có thể khai thác hiệu quả do đặc thù của tàu dầu sản phẩm. Ngoài ra, Công ty dự kiến sẽ trả lại 2 tàu Đại An và Đại Phú trong năm 2024 do hết hợp đồng thuê.
Hiện nay, Công ty Vosco đang thuê bareboat 2 tàu dầu sản phẩm cỡ 50.000 DWT, 2 tàu dầu/hoá chất cỡ 13.000 DWT và một số tàu hàng khô theo hình thức Voyage Relet. Thêm nữa, Công ty Vosco cho biết
Năm 2024, VOS lên kế hoạch kinh doanh khá thận trọng với doanh thu "đi lùi" giảm 28,2% so với mức thực hiện năm 2023, tương ứng đạt 2.440 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 323 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ. Với kết quả khả quan trong nửa đầu năm, doanh nghiệp đã vượt xa kế hoạch kinh doanh đề ra cho cả năm.
Tổng tài sản tại thời điểm 30/6 đạt 3.247 tỷ đồng, tăng hơn 532 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định giảm 26% so với đầu năm ở mức 694 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn là 772 tỷ đồng, tăng 50% so với số đầu năm. Về phía nợ, Vosco không có nợ vay tài chính cho đến cuối quý 2/2024. Vốn chủ sở hữu đạt 2.012 tỷ đồng.