Bất động sản

Một doanh nghiệp bất động sản lỗ từ đầu tư chứng khoán

CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (Mã: NDN) là một trong những doanh nghiệp có lượng tiền mặt (tiền và tiền gửi ngân hàng) lớn nhất trong nhóm bất động sản niêm yết và lãi lớn từ hoạt động kinh doanh chứng khoán trong ba năm trở lại đây.

Nhà Đà Nẵng bắt đầu đổ tiền vào chứng khoán đến năm 2010 nhưng chưa có lãi trong nhiều năm sau đó. Mảng bất động sản của doanh nghiệp trong giai đoạn này vẫn ổn định với doanh thu vài trăm tỷ mỗi năm.

Đến năm 2018, mảng kinh doanh chứng khoán mới mang về cho doanh nghiệp các khoản lãi vài chục tỷ đồng mỗi năm cho đến nay. Cũng kể từ thời điểm này, hoạt động kinh doanh chứng khoán đóng góp nguồn thu chính cho Nhà Đà Nẵng, còn mảng kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Bên cạnh đó, với lượng tiền gửi ngân hàng trên 1.000 tỷ kể từ năm 2019, Nhà Đà Nẵng có thêm vài chục tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay ở mỗi quý.

 

Tuy nhiên, BCTC quý II/2022 vừa được công bố cho thấy, Nhà Đà Nẵng lần đầu tiên lỗ ròng hơn 100 tỷ đồng kể từ khi niêm yết. Doanh nghiệp cho rằng diễn biến thị trường chứng khoán trong năm có chuyển biến tiêu cực làm cho lợi nhuận từ hoạt động mua bán chứng khoán của doanh nghiệp giảm mạnh.

Cụ thể, hoạt động kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp không ghi nhận doanh thu, trong khi cùng kỳ đạt hơn 234 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư chứng khoán ghi nhận lỗ khoảng 40 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 60 tỷ). 

 

Tính đến ngày 30/6, danh mục chứng khoán kinh doanh của Nhà Đà Nẵng gồm 9 mã với tổng giá trị đầu tư gốc khoảng 311 tỷ đồng, giảm 35% so với cuối quý I.

Trong quý II, Nhà Đà Nẵng đã bán hết cổ phiếu tại hai ngân hàng (EIB, MBB) và một doanh nghiệp bất động sản (VHM). Đồng thời, doanh nghiệp mua thêm hai mã AMV (CTCP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị y tế) và GEG (CTCP Điện Gia Lai).

  (Nguồn: BCTC quý II/2022 của Nhà Đà Nẵng). 

Dự phòng chứng khoán kinh doanh cũng tăng mạnh từ hơn 23 tỷ ở đầu năm lên hơn 90 tỷ và gấp hơn 6 lần so với con số dự phòng ở cuối quý I. 3 mã chiếm tỷ trọng dự phòng lớn gồm SHS (46,4 tỷ), TCB (18,3 tỷ) và VHM (xấp xỉ 18 tỷ).

Tương tự như thời điểm cuối quý I, phải thu ngắn hạn khác của doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận ở mức thấp so với đầu năm do không có tiền bán chứng khoán chờ về.

Kết quả trong quý II, Nhà Đà Nẵng đạt hơn 1 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ ròng hơn 114 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ doanh thu thuần đạt 185 tỷ đồng và lãi ròng 85 tỷ đồng.

 (Nguồn: BCTC quý II/2022 của Nhà Đà Nẵng).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm