Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance – Mã: EVF) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 146,4 tỷ đồng, tăng gần 57% so với cùng kỳ 2023. Lũy kết 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế EVNFinance đạt 310,7 tỷ đồng, tăng gần 56%.
Trước đó, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 43% so với kết quả thực hiện trong năm 2023. Như vậy, sau 6 tháng, EVNFinance đã thực hiện được hơn một nửa kế hoạch đề ra.
Trong nửa đầu năm, động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của EVNFinance đến từ thu nhập lãi thuần khi nguồn thu này tăng tới 444% so với cùng kỳ 2023, lên mức gần 761 tỷ đồng. Nguyên nhân thu nhập lãi thuần tăng mạnh là nhờ thu nhập lãi tăng gần 22% trong khi chi phí trả lãi giảm hơn 11%.
Thu nhập lãi thuần tăng đột biến trong bối cảnh dư nợ cho vay khách hàng của EVNFinance mở rộng thêm 13,2% so với hồi đầu năm, lên mức 37.969 tỷ đồng.
Khác với đa số các công ty tài chính khác, khách hàng vay vốn của EVNFinance chủ yếu là tổ chức kinh tế, không phải khách hàng cá nhân. Cụ thể, công ty dành ra hơn 36.000 tỷ đồng (95% tổng dư nợ) để cho vay các tổ chức kinh tế, chủ yếu là công ty TNHH và công ty cổ phần khác trong tổng dư nợ gần 38.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6. Quy mô cho vay cá nhân chỉ là hơn 1.900 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ.
Được biết, khách hàng thường xuyên của EVNFinance là các đơn vị, các dự án trong ngành điện, năng lượng.
Cùng với hoạt động tín dụng, hoạt động dịch vụ của công ty tài chính này cũng ghi nhận mức lãi thuần tăng tới gần 84%, lên mức 44,9 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Ở chiều ngược lại, hoạt động đầu tư bất ngờ ghi nhận lỗ hơn 14 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2023 lãi gần 345 tỷ đồng. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần cũng giảm hơn 94% xuống còn chưa đầy 6 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm hơn 20% xuống còn 36 tỷ đồng; và kinh doanh ngoại hối tiếp tục lỗ.
Tính chung, tổng thu nhập hoạt động của EVNFinance trong nửa đầu năm đạt gần 813 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ 2023.
Đáng chú ý, chi phí hoạt động của EVNFinance giảm tới hơn 96%, xuống còn chưa đầy 7 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do công ty được hoàn nhập dự phòng rủi ro tài sản có khác. Bên cạnh đó, việc thu hẹp quy mô nhân sự cũng giúp EVNFinance giảm được 22% chi phí cho nhân viên trong nửa đầu năm.
Sau khi trừ chi phí hoạt động, công ty tài chính này ghi nhuận mức lợi nhuận thuần gần 806 tỷ đồng, tăng 80%. Kết quả này giúp lợi nhuận trước thuế của EVNFinance tăng gấp rưỡi cùng kỳ dù phải trích lập dự dự phòng rủi ro tín dụng cao gấp đôi nửa đầu năm 2023.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của EVNFinance đạt 50.595 tỷ đồng,tăng 2,8% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng ở mức 37.969 tỷ đồng, tăng 13,2%.
Nguồn huy động của EVNFinance chủ yếu đến từ phát hành giấy tờ có giá và tiền gửi và vay của TCTD khác. Trong đó, số dư phát hành giấy tờ có giá là 19.290 tỷ đồng, tăng 10,7% so với đầu năm và vay, nhận tiền gửi từ tổ chức tín dụng khác là 9.315 tỷ đồng, giảm 14,6%.
Số dư nợ xấu của công ty là 271 tỷ đồng vào cuối quý II, tương ứng với tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,71% tổng dư nợ.
Đến cuối tháng 6, EVNFinance có 281 nhân viên, tiếp tục giảm so với đầu năm 2024 cũng như cùng kỳ năm trước. Bình quân trong 6 tháng đầu năm, mỗi nhân sự EVNFinance có thu nhập bình quân 28,12 triệu đồng/tháng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong nửa đầu năm, số lượng nhân sự bình quân của EVNFinance ở mức 302 người. Như vậy, bình quân mỗi nhân sự của công ty tài chính này tạo ra hơn 1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm.