Doanh nghiệp

Đức Long Gia Lai tiếp tục bị yêu cầu mở thủ tục phá sản

Trong thông báo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) cho biết đã nhận được thông báo của Tòa án Nhân dân Gia Lai về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Bên nộp đơn là Công ty cổ phần Lilama 45.3 (L43).

Đây là lần thứ hai Lilama 45.3 đòi mở thủ tục phá sản với Đức Long Gia Lai, liên quan đến khoản nợ có phần gốc gần 14,8 tỷ đồng và lãi chậm thanh toán gần 2,4 tỷ đồng. Hồi tháng 7/2023, doanh nghiệp này cũng nộp yêu cầu trên. Sau đó, DLG có đơn đề nghị Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xem xét quyết định. Tòa cho rằng công ty không mất khả năng thanh toán và có thiện chí, cam kết trả nợ cho L43 nên ra quyết định hủy mở thủ tục phá sản.

Đức Long Gia Lai cho biết trong 8 tháng qua, công ty vẫn triển khai các hoạt động bình thường. Họ đã trả cho Lilama 45.3 trong hai quý đầu năm nay một tỷ đồng mỗi quý. Tổng số tiền đã thanh toán là 6 tỷ đồng, tương đương hơn 40,5% dư nợ gốc.

Lần gần nhất DLG trả nợ cho L43 là 350 triệu vào ngày 27/6, tức cách đây chưa tròn một tháng. Theo Luật Phá sản 2014, chủ nợ chỉ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn ba tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Đức Long Gia Lai đã gửi đề nghị đến Tòa án Nhân dân Gia Lai xem xét lại điều kiện của việc Lilama 45.3 yêu cầu mở thủ tục phá sản với họ. Trong thời gian chờ phản hồi, công ty nói sẽ cung cấp tài liệu và chứng từ liên quan theo yêu cầu của Tòa án. Ban lãnh đạo nhắn nhủ các cổ đông "yên tâm và tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng quản trị".

Tập đoàn Đức Long Gia Lai là một trong hai doanh nghiệp lớn của khu vực Tây Nguyên, hoạt động trong mảng sản xuất, chế biến gỗ, đá granite, kinh doanh bến xe và bãi đỗ, dịch vụ khách sạn, khai thác và chế biến khoáng sản. Doanh nghiệp này có thời kỳ hoàng kim vào giai đoạn 2016-2018 với doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm.

Nhưng hoạt động kinh doanh bắt đầu xuống dốc ngay từ năm 2020 khi những khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng liên tiếp ăn mòn lợi nhuận. Điều này khiến công ty nhiều lần bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục và bị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đưa cổ phiếu vào diện kiểm soát.

Hoạt động kinh doanh của Đức Long Gia Lai mới cải thiện gần đây. Tuy nhiên đến quý I năm nay, DLG vẫn còn khoản lỗ lũy kế khoảng 2.637 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả gần 4.455 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay tài chính.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm