Bài viết dưới đây là chia sẻ của bà Chu, 79 tuổi, giáo viên đã về hưu, đang thu hút sự chú ý trên nền tảng Toutiao.
Tôi và ông xã kết hôn sau 10 năm yêu nhau. Trong vòng 5 năm sau đó, chúng tôi sinh được 3 người con, bao gồm 1 cô con gái lớn và 2 người con trai. Khi vẫn còn công tác tại trường, cả 2 chúng tôi đều cố gắng hết sức để làm việc, nhằm tăng thu nhập cho gia đình. Mục đích cuối cùng vẫn là mong con cái có cuộc sống tốt nhất.
Sau này, ngoài giảng dạy, vợ chồng tôi còn kinh doanh thêm. Nhờ thế, tài chính của gia đình cũng dư dả đôi chút. Tuy nhiên, chưa khi nào, tôi tiết lộ với các con về tài sản của gia đình.
Cho đến năm 75 tuổi, ông xã qua đời sau một chấn thương nặng. Lo lắng mẹ cô đơn, 3 người con của tôi đều ngỏ ý mời lên thành phố ở cùng. Tuy nhiên, tôi từ chối đề xuất này. Bởi cuộc sống giữa nhiều thế hệ trong một nhà dễ gây ra những mâu thuẫn không đáng có. Thêm nữa, tôi cũng thích cuộc sống ở quê nhà, gần gũi bà con hàng xóm hơn.
Không thể kề cận bên mẹ, song tụi nhỏ vẫn thường xuyên về thăm tôi vào mỗi dịp cuối tuần. Cách vài ngày, chúng lại gọi điện về để hỏi thăm tình hình. Nhìn chung, do công việc và cuộc sống ở thành phố, các con không thể gần gũi bên tôi. Song mấy đứa vẫn có cách chăm sóc đặc biệt. Nên chưa khi nào tôi cảm thấy cô đơn hay tủi thân ở những năm tháng tuổi già. Chính sự hiếu thảo này khiến tôi cảm thấy công sức nuôi dưỡng của mình cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng.
Cho đến tháng 2 năm nay, sau nhiều đợt điều trị đủ thứ bệnh, sức khỏe của tôi ngày một suy yếu. Tôi quyết định gặp mặt các con vào đúng dịp sinh nhật 79 tuổi để công bố di chúc.
Theo đó, tôi dành dụm được 650.000 NDT (khoảng 2,2 tỷ đồng). Vì sự hiếu thảo của tụi nhỏ nên tôi quyết định chia số tiền này cho cô con cả là 250.000 NDT. 2 người con thứ mỗi người được 200.000 NDT. Tôi đã chuẩn bị sẵn tiền mặt vào từng túi và sẽ trao cho từng đứa vào ngày hôm đó.
Trong suy nghĩ của tôi, khi nhận được thông tin này tụi nhỏ sẽ rất vui. Song thực tế mọi chuyện diễn ra hoàn toàn trái ngược. Cô con cả nhất quyết từ chối nhận số tiền này. “Điều con mong mỏi duy nhất lúc này là sức khỏe của mẹ. Những thứ vật chất này con không mong muốn nhận. Mẹ hãy giữ lấy để mua những thứ mình thích. Sau này nếu có chuyện gì xảy ra, con cũng chỉ mong nhận được chiếc rổ tre do chính tay mẹ đan là đủ”.
Sau đó, cô con cả giải thích muốn nhận lại kỷ vật này vì muốn lưu giữ hình ảnh của mẹ ở bên. Đó mới thực sự là thứ đáng quý chứ không phải những giá trị vật chất kia.
Sau khi nghe những lời của chị cả, cậu con thứ tiếp lời: “Hiện tại, việc kinh doanh của con vẫn ổn. Con thực sự không cần khoản tiền 200.000 NDT của mẹ. Mẹ cứ cất đi và dùng khi đau ốm. Mẹ đừng lo rằng nếu không cho tiền thì các con sẽ không tôn trọng. Chúng con chưa bao giờ dám nghĩ như vậy”. Cũng như 2 anh chị, cậu con trai út từ chối nhận số tiền mẹ chia cho mình.
Khá bất ngờ về thái độ của tụi nhỏ, song tôi cảm thấy vô cùng ấm lòng. Tôi từng nghe được nhiều câu chuyện về việc con cái đối xử tốt với cha mẹ chỉ vì tài sản thừa kế. Một khi, chúng có được tài sản, thái độ của sẽ thay đổi hoàn toàn.
Song thực tế, 3 đứa nhỏ nhà tôi lại chẳng mong cầu những giá trị vật chất đến như vậy. Hóa ra chúng hiểu thảo với mẹ chẳng phải vì lý do được thừa kế tài sản, chỉ đơn giản là muốn báo đáp công sinh thành.
Sau bữa tiệc ngày hôm đó, các thành viên trong gia đình chúng tôi càng trở nên gắn kết hơn. Tôi tiếp tục được củng cố niềm tin về những năm tháng tuổi già bình yên bên con cháu.