Chứng khoán

Một cổ phiếu tăng gần 75% sau 1 tuần

Ngày 8/8, 15 triệu cổ phiếu PDC của Du lịch Dầu khí Phương Đông ( UPCoM:PDC ) giao dịch lần đầu trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 5.100 đồng/cp. Kết phiên ngày 15/8, thị giá mã này leo lên mức 8.900 đồng/cp, tương đương tăng 74,5% sau một tuần.

Trước đó, số cổ phiếu này bị huỷ niêm yết trên sàn HNX từ ngày 29/7 do báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán của công ty có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trong 3 năm 2019, 2020, 2021 (thuộc trường hợp huỷ bỏ niêm yết bắt buộc).

Du lịch Dầu khí Phương Đông tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước có tên Khách sạn Phượng Hoàng, được thành lập năm 1994 của UBND tỉnh Nghệ An. Công ty chuyển sang loại hình CTCP từ tháng 2/2008 với vốn điều lệ ban đầu là 150 tỷ đồng và giữ nguyên đến hiện tại. Đơn vị hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, và điều hành tour du lịch.

Từ tháng 3/2010, công ty trở thành đơn vị thành viên của Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) sau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 60,39% vốn góp tại Du lịch Dầu khí Phương Đông.

Sau đó vào năm 2011, PTSC đã chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần nắm giữ cho hai tổ chức là Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (tỷ lệ 49,5%) và OceanBank (tỷ lệ 10,9%); song hai đơn vị này lần lượt bán hết cổ phần vào năm 2015 và 2018.

Đến năm 2015, cơ cấu cổ đông lại có sự biến động khi “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản, ông chủ của tập đoàn khách sạn Mường Thanh nhận chuyển nhượng 3 triệu cổ phiếu, tương đương 20% cổ phần. Hai cá nhân khác là bà Lê Kim Giang, mua 1,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10,5%) và ông Đỗ Trung Kiên nhận chuyển nhượng 2,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 19%). Bà Lê Thị Hoàng Yến – con gái của ông Thản đồng thời là vợ của ông Kiên – cũng trở thành cổ đông lớn sau khi liên tục gom vào cổ phiếu PDC để nâng sở hữu lên 1,2 triệu cổ phần, tương đương 7,7% vốn điều lệ.

Tính tới thời điểm hiện tại, cá nhân Lê Kim Giang sở hữu nhiều cổ phần nhất với hơn 3 triệu đơn vị PDC, tương đương 20,3% vốn doanh nghiệp. Theo sau là ông Lê Thanh Thản - ông chủ của Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh kiêm Chủ tịch Du lịch Dầu khí Phương Đông với 3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 20% (mua từ năm 2015). Con gái và con rể là bà Lê Thị Hoàng Yến và ông Đỗ Trung Kiên sở hữu 1,4 triệu đơn vị (tỷ lệ 9,4%) và 2,85 triệu đơn vị (tỷ lệ 19%). Gia đình “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản nắm giữ tổng cộng hơn 7 triệu cổ phiếu PDC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 46,71% tổng số cổ phần của công ty.

Một cổ phiếu tăng gần 75% sau 1 tuần - Ảnh 1.

Đơn vị: Tỷ đồng.


Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, Du lịch Dầu khí Phương Đông thu về 22,3 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 63% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán hàng là 20,6 tỷ đồng (tăng 73%) và doanh thu bất động sản là 1,7 tỷ đồng (giảm 5,6%). Giá vốn hàng bán tăng ít hơn với 16,3% lên 16,4 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp được cải thiện từ âm 396 triệu đồng lên 5,9 tỷ đồng.

Đơn vị phát sinh 2,2 tỷ đồng chi phí tài chính trong quý II, song doanh thu tài chính chỉ ở mức 2,8 triệu đồng. Chi phí bán hàng giảm 28,3% xuống 191,8 triệu đồng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 29,4% lên 4,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, khoản thu nhập khác gấp 4,7 lần lên 953,7 triệu đồng, trong khi chi phí khác chỉ còn bằng 20% cùng kỳ với 222,7 triệu đồng. Theo đó, lãi từ hoạt động khác 731 triệu đồng, cùng kỳ lỗ 904 triệu đồng.

Kết quả đơn vị ghi nhận 258 triệu đồng lỗ sau thuế, cải thiện sau với mức lỗ 5 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2021.

Tại ngày 30/6, tổng tài sản là 274,7 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm. Tài sản dài hạn chiếm 63% với 172,8 tỷ đồng. Riêng tài sản cố định là 100,8 tỷ đồng.

Trong cơ cấu tài sản ngắn hạn, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 97% với 99 tỷ đồng. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 4,9% lên 108,8 tỷ đồng. Phải thu đối với khách sạn Mường Thanh Cửa Đông chiếm tỷ trọng lớn nhất với 86,3 tỷ đồng, theo sau là 17,3 tỷ đồng phải thu đối với công ty TNHH Đức Thuận, và 2 khoản này đều tương đương mức đầu năm. Còn các khoản phải thu khách hàng khác gấp 4 lần lên 5,2 tỷ đồng.

Lượng tiền sở hữu bởi Du lịch Dầu khí Phương Đông tăng hơn 21% lên 2,3 tỷ đồng sau khi tiền gửi ngân hàng được gia tăng với mức tương đương, từ 1,9 tỷ đồng lên 2,3 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, đơn vị không có nợ vay tài chính. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 46,4 tỷ đồng. Vốn góp chủ sở hữu 126,5 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm