Kinh doanh

"Nở rộ" tin lừa đảo tuyển dụng trong thời đại dịch COVID-19

Đây là kết luận trong cuộc nghiên cứu của Đại học Công nghệ Queensland, Australia, được đăng trên tạp chí Social Alternatives ngày 15/8.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu do Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng của Australia (ACCC) thu thập. Nghiên cứu cho thấy số trường hợp báo cáo lừa đảo tuyển dụng tăng vọt từ tháng 3/2020 và tiếp tục tăng trong thời gian đại dịch.

Tác giả nghiên cứu, bà Deanna Grant-Smith cho biết các biện pháp phong tỏa và hạn chế đã tạo môi trường lý tưởng cho các đối tượng xấu nhắm vào những người tìm việc làm trực tuyến.

Những kẻ lừa đảo tìm cách thu thập thông tin cá nhân bằng cách đăng quảng cáo việc làm giả, yêu cầu người tìm việc gửi thông tin cá nhân, sau đó tạo cơ sở dữ liệu và bán cho các nhóm hoạt động hợp pháp và phi pháp.

Bà Grant-Smith nói rằng trong mọi trường hợp, nạn nhân đều mất thông tin cá nhân hoặc tiền mà không xin được việc làm.

Theo bà Cassandra Cross, một trong số các tác giả của nghiên cứu, trước khi xảy ra đại dịch, thông tin tuyển dụng việc làm tại nhà có nguy cơ là giả cao gấp đôi và dễ dàng được phát hiện, nhưng điều này trở thành vấn nạn trong thời đại dịch khi việc làm tại nhà được chấp nhận rộng rãi.

Nạn nhân của các vụ lừa đảo việc làm chủ yếu trong độ tuổi từ 18 – 24 và 25 – 34. Theo các nhà nghiên cứu, các tin lừa đảo tuyển dụng có thể được chia thành 3 loại chính bao gồm đánh cắp thông tin cá nhân, lừa lấy thông tin ngân hàng và yêu cầu người tìm việc trả tiền trước để nhận việc làm giả mạo.

Các nền tảng tìm kiếm việc làm trực tuyến lớn nhất của Australia có cơ chế phát hiện việc làm giả. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng họ khó phát hiện được các việc làm giả mạo trong thời đại dịch do số lượng việc làm tại nhà tăng cao.

Theo đó, các tác giả kêu gọi nhà chức trách điều tra vai trò của các trang web tuyển dụng, đồng thời nhấn mạnh cần nghiên cứu thêm về các quảng cáo việc làm trong thời đại dịch COVID-19.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm