Thời sự

Thủ tướng: Nếu hạ tầng phát triển tốt, kinh tế tăng trưởng sẽ cao như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa

Tại cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng nhấn mạnh kinh nghiệm các địa phương cho thấy nếu hạ tầng phát triển tốt thì tăng trưởng sẽ cao như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa.   

 

Nhìn lại giai đoạn trước, trong ba tỉnh thành được Thủ tướng nhắc tên, có Hải Phòng tăng trưởng ấn tượng hơn cả với mức tăng đều trên hai chữ số. Ba năm liên tiếp 2017, 2018 và 2019, Hải Phòng ghi nhận tăng trưởng trên 16% - là mức khá cao so với cả nước. Trong khi đó Quảng Ninh cũng nhiều năm duy trì tăng trưởng trên 10%. Với Thanh Hóa, tỉnh này tăng trưởng trong khoảng 8-9% trong các năm 2015, 2016, 2017. Riêng 2018 và 2019 tăng trưởng mạnh lần lượt 14,07% và 17,15%.

Trong giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng đạt 564.000 tỷ đồng, gấp 3 lần giai đoạn 2011-2015.

Với Quảng Ninh, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 là gần 345.000 tỷ đồng, còn Thanh Hóa đạt 610.000 tỷ đồng. 

Nói riêng về cơ sở hạ tầng, chỉ trong ba năm (2015-2018), diện mạo hạ tầng giao thông của Quảng Ninh thay đổi khá nhiều. Những tuyến đường động lực được xây dựng, mở đường cho kinh tế phát triển như cầu Bạch Đằng, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Ở Hải Phòng, một trong những dự án giao thông có vốn đầu tư lớn và có ý nghĩa về mặt phát triển kinh tế phải kể đến cầu Hoàng Văn Thụ 2.200 tỷ, bắc qua sông Cấm nối trung tâm TP với huyện Thủy Nguyên. Ngoài cây cầu này, Hải Phòng cũng xây dựng nhiều cầu kết nối với các tỉnh Hải Dương, Thái Bình.  

Tháng 1 vừa qua, Hải Phòng cũng đã thông xe kỹ thuật Cầu Rào hơn 2.200 tỷ đồng. Cây cầu được xây dựng trên địa bàn 4 quận của Hải Phòng gồm: Ngô Quyền, Hải An, Dương Kinh và Lê Chân với chiều dài khoảng 456,5 m, rộng 30,5 m, quy mô 6 làn xe.

 Cầu Rào 1 thông xe kỹ thuật hồi đầu năm. (Ảnh: Thanh niên).

Dự án giao thông đáng chú ý ở Thanh Hóa là cao tốc Bắc Nam đoạn đi qua địa bàn tỉnh. Đầu năm 2021, 95,7 km trên tổng số 98,5km chiều dài tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; trong đó đoạn triển khai đầu tiên là Mai Sơn - Quốc lộ 45 đã bàn giao 100% mặt bằng. Đây là tiền đề cho cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công, hướng tới mục tiêu hoàn thành tuyến đường vào cuối năm 2022.

Cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 là tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được ví như huyết mạch kết nối Thanh Hóa với Thủ đô Hà Nội, mở ra dư địa phát triển mạnh mẽ cho xứ Thanh. Trong giai đoạn 1, tuyến đường được xây dựng 4 làn xe, vận tốc 80km/h, tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng, giai đoạn hoàn chỉnh sẽ mở rộng lên 6 làn xe.

Một dự án giao thông trọng điểm khác là tuyến đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân khởi công năm ngoái. Dự án có tổng mức đầu tư 3.500 tỉ đồng, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2022 giúp việc kết nối sân bay với trung tâm tỉnh trở nên dễ dàng, thuận tiện.

 

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, cả ba tỉnh thành là Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa đều lọt danh sách chi nhiều tiền nhất cho cơ sở hạ tầng. 

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết tổng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của TP khoảng 95.032 tỷ đồng. TP dành 80% số vốn đầu tư công bố trí cho các dự án trọng điểm như vành đai 2, vành đai 3, cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân, cầu Nghìn 2, cầu Nguyễn Trãi, cầu Rào 3. 

Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư công vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 dự kiến gần 58.700 tỷ đồng. 

Về hạ tầng giao thông, Quảng Ninh ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông có tính liên kết cao, các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển để tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế; thu hút đầu tư xây dựng, phát triển, hoàn thiện hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển trọng tâm là: Con Ong-Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh, Nam Tiền Phong.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký giai đoạn 2016-2021, Quảng Ninh đã phân bổ hơn 49.000 tỷ đồng vốn ngân sách cho đầu tư ở các lĩnh vực.

Hiệu quả đầu tư công đã từng bước được cải thiện, đầu tư tập trung trọng điểm các dự án lớn, quan trọng, có tính kết nối vùng, có tác động lan tỏa. Cứ 1 đồng ngân sách đầu bỏ ra, Quảng Ninh có thể huy động được 8-9 đồng từ khối tư nhân tham gia đầu tư vào Quảng Ninh.

Với Thanh Hóa, trong giai đoạn đến năm 2025, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đã khởi công và đang thực hiện, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm như: Đường nối quốc lộ 1 với quốc lộ 45 từ xã Hoàng Kim, huyện Hoàng Hóa đến xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa với tổng mức đầu tư 1.420 tỷ đồng; đường giao thông từ KCN Bỉm Sơn đến đường ven biển 900 tỷ đồng; đường nối thành phố Thanh Hóa với các huyện phía Tây 4.000 tỷ đồng; tuyến đường Vành đai 3 nhánh đông đoạn từ huyện Hoằng Hóa đến huyện Quảng Xương 3.300 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm