Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng trong nước, tổng chi phí dự phòng rủi ro trong 6 tháng đầu năm đạt 61.625 tỷ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
TOP 10 ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro lớn nhất gồm BIDV, VietinBank, VPBank, Agribank, Vietcombank, MB, Sacombank, SHB, HDBank và TPBank. Tổng chi phí dự phòng rủi ro của 10 ngân hàng này đạt 57.215 tỷ đồng, chiếm 92,8% tổng chi phí của cả 28 ngân hàng.
Trong đó, BIDV là ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro lớn nhất trong 6 tháng đầu năm với 13.772 tỷ đồng, giảm 12,2% so với cùng kỳ.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết ngân hàng đã trích lập đầy đủ các khoản nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ theo Thông tư 01 trước hai năm.
Năm 2022, số trích lập theo kế hoạch của ngân hàng là 23.000 tỷ đồng trong điều kiện dịch COVID-19 được kiểm soát bình thường. Nếu dịch được kiểm soát tốt hơn thì số trích lập sẽ giảm về mức thấp hơn. Như vậy kết thúc 6 tháng đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng đã đạt 60% so với kế hoạch năm.
Đứng thứ hai là VietinBank với chi phí dự phòng rủi ro là 10.310 tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ. Tiếp theo là VPBank với chi phí dự phòng rủi ro tăng nhẹ 12,3%, đạt 9.718 tỷ đồng.
Hai “ông lớn” Agribank cà Vietcombank ở hai vị trí tiếp theo với chi phí lần lượt là 7.495 tỷ đồng và 5.007 tỷ đồng. Hai ngân hàng này đều có sự sụt giảm so với cùng kỳ, với mức giảm lần lượt là 40,8% và 9%.
Sacombank là ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh nhất trong TOP 10 cới 2.908 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Ngoài ra, trong TOP 10 cũng có một số ngân hàng khác có sự tăng trưởng trong chi phí dự phòng rủi ro như HDBank đạt 1.442 tỷ đồng, tăng 57,6% và TPBank đạt 1.401 tỷ đồng, tăng gần 40%.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng có sự tăng mạnh về chi phí dự phòng rủi ro trong nửa đầu năm như Saigonbank tăng gần gấp 6 lần (181 tỷ đồng), Vietbank tăng gấp 6 lần (168 tỷ đồng), Kienlongbank có chi phí tăng gấp đôi (147 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng có sự sụt giảm trong nửa đầu năm nay là VietCapital Bank (giảm 13,5%), MSB (giảm 87,5%, BảoVietBank (giảm 89%). NCB (giảm 77,8% và VietABank (giảm 62%).
Chi phí dự phòng rủi ro các ngân hàng trong nửa đầu năm 2022