Tài chính

NIM của các ngân hàng sẽ giảm khi quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn co hẹp

Theo báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới đây, CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo NIM sẽ giảm ở giai đoạn sắp tới trong bối cảnh chi phí huy động vốn đang gia tăng và tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn sẽ bị giảm.

Yuanta Việt Nam cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nỗ lực để củng cố giá trị của đồng VND trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng USD tăng mạnh so với đầu năm.Theo đó, thanh khoản có dấu hiệu thu hẹp, và lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh trong tháng vừa qua. 

Những sự kiện này làm tăng chi phí huy động vốn của các ngân hàng và theo các chuyên gia xu hướng này có thể sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất cho đến cuối năm. Trong khi đó, các ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ người đi vay theo chủ trương của NHNN để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Vì vậy, lãi suất cho vay có thể vẫn duy trì tương tự như mức ở hiện tại, hoặc có thể chỉ tăng nhẹ. NIM của toàn ngành trong năm 2022 có thể sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Song, sự tác động đối với từng ngân hàng sẽ khác nhau.

Yuanta Việt Nam nhận định các ngân hàng có tỷ lệ LDR (cho vay/huy động vốn) thấp như HDBank, MSB, VIB và VPBank sẽ ít bị áp lực hơn trong việc gia tăng chi phí huy động vốn so với các ngân hàng có tỷ lệ LDR cao.  

 Nguồn: NHNN,Yuanta Việt Nam .

Việc giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn cũng sẽ tác động lên tỷ lệ NIM của các ngân hàng.

NHNN dự kiến sẽ giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn từ 37% xuống còn 34% vào tháng 10/2022. Do đó, các ngân hàng đang có tỷ lệ này ở mức cao sẽ phải giảm bớt, hoặc có thể các ngân hàng đó không còn nhiều dư địa để tăng tỷ lệ này lên và cải thiện NIM.

Mặt khác, các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn thấp (như ACB, HDBank, MSB và VPBank) vẫn còn dư địa có thể cho vay và từ đó tăng NIM. 

Trong khi đó, những ngân hàng có tỷ lệ CASA cao (như Techcombank, MB và Vietcombank) do những ngân hàng này có khả năng hạn chế tốt những tác động tiêu cực đối với NIM khi chi phí huy động vốn gia tăng.

Trong quý II, hầu hết ngân hàng đều đã công bố tỷ lệ CASA thấp hơn quý liền kề do tín dụng bị eo hẹp khi các ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng ban đầu. Do đó, các ngân hàng không thể giải ngân, và những người đi vay sẽ phải rút tiền gửi CASA để chi trả hoặc phân bổ vào những kênh đầu tư như bất động sản hay chứng khoán.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng CASA sẽ phục hồi tăng trở lại khi hạn mức tín dụng được tăng lên và kỳ vọng NHNN sẽ tạo điều kiện tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại vào cuối quý III/2022.

Các ngân hàng như MB và Vietcombank có chất lượng tài sản tốt và đang tham gia vào hoạt động tái cấu trúc ngân hàng yếu kém, có thể sẽ nhận được hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, theo quan điểm của Yuanta Việt Nam. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm