Dữ liệu cho thấy sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc đều giảm so với ước tính của các nhà phân tích. Nguyên nhân do chính sách phong tỏa nghiêm ngặt chống Covid-19.
Ipek Ozkardeskaya, chiến lược gia thị trường thuộc Swissquote cho biết: "Những dữ liệu xấu từ Trung Quốc càng làm gia tăng nỗi lo về nguy cơ suy thoái ở phần còn lại của thế giới, đẩy đồng euro giảm so với đồng bạc xanh".
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 15/8 theo giờ Việt Nam tăng 0,45% lên 106,15. Đồng euro trong cùng thời điểm giảm 0,55% so với đồng USD, xuống 1,0200 USD.
Chỉ số DXY đã giảm từ mức cao nhất trong vòng 20 năm, là 109,29 vào ngày 14/7, do hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất mạnh mẽ, và rằng giai đoạn lạm phát tồi tệ nhất có thể đã qua.
Trong nước, tỷ giá trung tâm hôm thứ Hai (15/8) được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.160 VND/USD, so với 23.163 VND ngày thứ Sáu (12/8). Trên thị trường chợ đen, giá USD ở mức 23.900 - 24.000 đồng (mua vào - bán ra), so với 23.950 - 24.050 đồng phiên 12/8.
Nỗi lo rằng Fed thắt chặt tiền tệ sẽ khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái cũng đã khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.
Tuy nhiên, các quan chức Fed vẫn giữ thái độ ‘diều hâu’ và nhấn mạnh rằng còn quá sớm để tuyên bố đã chiến thắng lạm phát.
"Fed đang nói với chúng ta rằng họ muốn thắt chặt các điều kiện tài chính và thị trường đã nghi ngờ họ, vì vậy Fed sẽ phải nhấn mạnh quan điểm của mình bằng một đợt tăng lãi suất mạnh hơn," Marc Chandler, chiến lược gia thị trường của Bannockburn Global Forex cho biết. Ông Chandler dự đoán Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại kỳ họp vào tháng 9 tới.
Những dữ liệu sẽ công bố trong tuần này, bao gồm sản xuất công nghiệp (công bố vào thứ Ba, 16/8) và doanh số bán lẻ (vào thứ Tư, 17/8) cũng có thể "giúp giảm bớt đồn đoán rằng Mỹ sẽ giảm tốc độ thắt chặt chính sách", ông Chandler nói, và cho rằng điều đó sẽ thúc đẩy đồng bạc xanh tăng giá.
Kết quả cuộc khảo sát về lĩnh vực sản xuất của bang New York công bố hôm thứ Hai (15/8) cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng Tám đang giảm mạnh.
Mặc dù đồng USD tăng trong phiên vừa qua, song các quỹ đầu cơ đã cắt giảm vị thế đồng USD dài hạn và đặt cược rằng đường cong lợi suất sẽ "phẳng" dần, do đồng USD tuần trước giảm 1% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6, sau khi giảm 4% trong tháng 7.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (Mỹ) cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 9/8, các quỹ đã cắt giảm 4,4 tỷ USD vị thế mua ròng bằng đô la Mỹ so với các đồng tiền của nhóm G10 xuống còn 13 tỷ USD. Đó là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1, và các khoản mua ròng hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 4.
Chỉ số Dollar index có chuỗi giảm giá dài nhất kể từ tháng 1.
Đồng đô la Australia, vốn nhạy cảm với giá hàng hóa và được coi là chỉ báo về tốc độ tăng trưởng toàn cầu, giảm 1,37% xuống 0,7022 USD.
Đồng bảng Anh giảm so với USD khi các nhà giao dịch chuyển trọng tâm chú ý sang các dữ liệu kinh tế của Anh, đó là dữ liệu về việc làm - công bố vào thứ Ba (16/8), và lạm phát - công bố vào thứ tư (17/8). Những dữ liệu này sẽ là cơ sở để Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ra quyết định về thay đổi mức lãi suất.
Đồng bảng Anh đã giảm 0,33% so với đồng USD, xuống 1,20955 USD. So với euro, bảng vững ở mức 84,555 pence.
Thị trường tiền tệ hiện đang định giá khoảng 85% khả năng BoE sẽ tăng lãi suất nửa điểm tại cuộc họp vào tháng 9, nâng tổng mức tăng lãi suất đến cuối năm nay lên 125 điểm phần trăm.
Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tuần sau khi Ngân hàng trung ương nước này (PBoC) bất ngờ giảm lãi suất tham chiếu nhằm thúc đẩy nhu cầu hồi phục, sau một loạt các dữ liệu cho thấy kinh tế nước này sẽ còn suy yếu dai dẳng.
Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài chạm mức 6.7904 CNH/USD, thấp nhất kể từ ngày 2/8. Trên thị trường nội địa, nhân dân tệ giảm 157 pip xuống 6,7587 CNY.
Alvin Tan, người phụ trách mảng chiến lược ngoại hối khu vực châu Á của RBC Capital Markets, cho biết: "Việc PBoC bất ngờ cắt giảm 10 điểm cơ bản đối với lãi suất tham chiếu kỳ hạn 1 năm và lãi suất hoàn trả ngược 7 ngày chắc chắn bị thúc đẩy bởi sự gia tăng rủi ro về tăng trưởng kinh tế". Ông cho biết thếm: "Tuy nhiên, chính sách tiền tệ (của Trung Quốc) đang mất dần sức hút ngoại trừ tỷ giá hối đoái với xuất khẩu là một điểm sáng trong nền kinh tế".
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm trong phiên vừa qua, song vẫn duy trì trên ngưỡng 24.000 USD. Lúc kết thúc ngày 15/8 theo giờ Việt Nam, Bitcoin ở mức 24.144 USD.
Giá Bitcoin ngày 15/8.
Giá vàng giảm trong phiên đầu tuần, mất hơn 1%, xuống mức thấp nhất trong một tuần giữa bối cảnh giá kim loại quý nói chung giảm mạnh do đồng USD mạnh lên và lo ngại rằng Fed tăng lãi suất thêm nữa sẽ gây áp lực giá lên vàng miếng.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 15/8 theo giờ Việt Nam giảm 1,3% xuống 1.778,35 USD/ounce, trước đó có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 8/8. Giá vàng giao tháng 12 giảm 1,2% xuống 1.794,20 USD.
Chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn của RJO Futures cho biết: "Vàng đã mắc kẹt quanh ngưỡng 1.800 USD và đồng USD tăng trở lại đang đẩy vàng và toàn bộ hàng hóa xuống thấp hơn". Theo ông: "Không khí giao dịch trên thị trường vàng lúc này là thận trọng, vì Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất ... các nhà đầu tư thực sự thấy lãi suất tăng trong thời gian tới."
Giá kim loại cơ bản và USD biến động trái chiều.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp của Fed trong tháng 7 để biết thêm những tín hiệu về lãi suất dự kiến trong những tháng tới.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk