Ngày 9/5, khi Luna và UST sụp đổ, Mike Novogratz là cái tên bị cộng đồng nhắc đến nhiều nhất chỉ sau CEO Terraform Labs Do Kwon. Điều này không chỉ đến từ việc ông là nhân vật có tầm ảnh hưởng trong thị trường tiền số. Sự công khai ủng hộ của Novogratz là một trong những lý do khiến người dùng quan tâm đến Terra, góp phần giúp Luna tăng giá mạnh và vượt 100 USD mỗi đồng, trước khi mất gần hết giá trị vào tháng trước.
Trước khi nổi tiếng trong lĩnh vực tiền điện tử, tỷ phú Novogratz, 57 tuổi, có một sự nghiệp đầy thăng trầm.
Khi theo học tại Đại học Princeton, ông là một đô vật có tiếng, từng vô địch hai lần vào các năm 1986 và 1987 tại giải đấu do Hiệp hội Thể thao Đại học Quốc gia Mỹ (NCAA) tổ chức ở hạng cân 68 kg.
Sau khi ra trường với tấm bằng kinh tế, Novogratz phục vụ trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia New Jersey trước khi đầu quân cho Goldman Sachs, một ngân hàng đầu tư lớn tại Phố Wall ở tuổi 33 (năm 1997). Năm 2000, ông rời Goldman Sachs và gia nhập Fortress Investments, một quỹ đầu tư khổng lồ khi đó.
Cơ duyên với tiền số
Novogratz tìm hiểu về Bitcoin trong thời gian ở Fortress. Cùng với Pete Briger, bạn học cũ ở Đại học Princeton và là đồng nghiệp tại Fortress, cả hai mua tiền số từ năm 2008 bằng tài khoản riêng, xem như là các khoản đầu tư cá nhân. Mọi việc diễn tiến tốt đẹp cho đến 7 năm sau.
Năm 2015, Fortress thua lỗ khi đổ tiền vào Brazil, kéo theo hàng loạt quỹ đầu tư nhỏ hơn chết theo. Novogratz sau đó rời công ty và thành lập doanh nghiệp mới cũng chuyên về đầu tư mạo hiểm. Lúc này, ông tiếp tục tìm hiểu về Bitcoin và các loại tiền số khác, nhưng không theo dạng đầu cơ nữa mà tập trung nghiêm túc hơn cho việc đầu tư.
"Bitcoin và tiền số thực sự là công nghệ mới thực sự thú vị, có khả năng giữ giá trị tốt hơn trong bối cảnh lạm phát gia tăng so với các lựa chọn khác", ông nói khi đó. Ông sau đó chi hơn 10 triệu USD cho Bitcoin và hàng triệu USD khác cho các loại tiền số, chủ yếu là Ethereum.
Cuối 2017, Novogratz sáng lập và là CEO của Galaxy Investment Partners, sau đổi thành Galaxy Digital Holdings. Đây là một trong số ít quỹ đầu tư tiền điện tử được yêu cầu phải công bố kết quả tài chính. Trong 9 tháng đầu năm 2018, công ty lỗ 136 triệu USD. Tuy vậy, Galaxy Digital Holdings vẫn phát triển nhanh chóng nhờ tiên phong về đầu tư tiền số.
'Fan cuồng' của Terra
Galaxy Digital rót 25 triệu USD vào Terraform Labs - công ty đứng sau token Luna và UST vào năm 2020. Trong một bức "tâm thư" gửi đến các cổ đông, bạn bè và cộng đồng tiền số sau sự sụp đổ của hai token này, ông đề cập đến quyết định ủng hộ vì nhận ra "tiềm năng tăng trưởng đáng kể" khi đó.
Thực tế, khoản đầu tư của Galaxy Digital đã mang về hơn 355 triệu USD trong quý I/2022, chiếm nhiều nhất trong số một tỷ USD lợi nhuận từ tiền số của công ty. Tuy vậy, khi Luna và UST lao dốc, toàn bộ số tiền đã bốc hơi nhanh chóng.
Trước khi Terra sụp đổ, Novogratz - người hiện có khối tài sản 2,3 tỷ USD theo Forbes - không ngại công khai sự lạc quan của mình. Tháng 3/2021, ông tweet rằng mình "được thúc đẩy để trở thành nhà đầu tư Anchor", đề cập đến giao thức Anchor Protocol của Terra, cho phép người dùng gửi tiết kiệm với lãi suất tới 20% mỗi năm.
"Vai trò của tôi là phải thuyết giảng, tôi không thể ngừng nói về điều đó", Novogratz phát biểu tại Hội nghị Bitcoin diễn ra ở Miami vào tháng 4 khi nhắc đến Terra.
Sự cuồng nhiệt của Novogratz đối với Terra khiến nhiều người khác có sự phấn khích tương tự. Kevin Newby, một cựu nhân viên công nghệ ở Detroit, thừa nhận Novogratz là một trong những lý do khiến ông vượt qua sự nghi ngờ ban đầu về Anchor và bỏ hơn 200.000 USD vào đó. Sau cú sập hồi tháng 5, ông gần như mất hết tài sản.
"Tôi đã tính đến việc để tiết kiệm để sinh lời mỗi năm, sau đó nghỉ việc và mua một căn nhà ở Virgin. Dù vậy, cú sập khiến tôi không còn gì. Tôi buộc quay trở lại cuộc sống bình thường, hoàn thiện lý lịch và tìm việc làm", Newby kể với WSJ.
Một trong những vụ cá cược lớn nhất của Novogratz với cộng đồng Terra là vào 26/3/2021. Khi đó, ông tuyên bố nếu Luna có giá hơn 100 USD mỗi đồng, ông sẽ xăm biểu tượng của nó lên cánh tay. Vào tháng 1, khi Luna lên mức kỷ lục 110 USD mỗi đồng, ông đã thực hiện cam kết của mình.
"Tôi chính thức là một Lunatic", ông tweet. "Tôi sẽ hú lên mặt trăng để tỏ lòng biết ơn với Luna vì đã cho tôi một chút gì đó để có thể thanh toán hóa đơn".
Thế nhưng, sau sự cố Luna ngày 9/5, Novogratz im bặt. Trên trang cá nhân hơn 460.000 người theo dõi, bài viết mới nhất của ông là ngày 8/5, dù ông vốn hoạt động khá tích cực trên mạng xã hội. Theo thống kê của Bloombergs, Novogratz đã đăng 60 bài trong tháng 1, hơn 50 bài vào tháng 2 và 3, hơn 30 bài vào tháng 4. Đến tháng 5, ông vẫn đăng tweet đều đặn mỗi ngày cho đến hôm 8/5.
Ngày 18/5, Novogratz xuất hiện trở lại. Trong tâm thư đăng trên Twitter, ông nói "tiền điện tử sẽ không biến mất", dù sự thất bại của lĩnh vực này sẽ tăng lên đáng kể. Sau khi bức thư được chia sẻ, có hơn 1.000 câu hỏi được đặt ra cho Novogratz. Hầu hết nói đến sự tự tin của ông về tiềm năng của Luna - điều khiến các nhà đầu tư nghe theo ôm hận. "Ông có thấy hối tiếc và xấu hổ không, khi nhiều người đã mất toàn bộ tiền tiết kiệm?", một tài khoản hỏi. Novogratz không phản hồi.
Trả lời WSJ, Novogratz nói ông vẫn lạc quan về tiền điện tử. Với hình xăm đang giữ, ông cho biết đó là sự nhắc nhở bản thân không nên tin tưởng hoàn toàn một vấn đề. "Với nhận thức muộn màng, mọi thứ đã rõ ràng trước mắt. Hình xăm Luna là lời nhắc nhở thường xuyên với tôi, rằng đầu tư mạo hiểm cần đòi hỏi sự từ tốn", Novogratz cho biết.