Bức tranh metaverse tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung được các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm Leader Talks sáng 24/5.
Theo ông Đặng Khánh Hưng, Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab, Việt Nam trước đây thường được đánh giá là đi sau thế giới trong việc phát triển công nghệ. Tuy nhiên với blockchain và metaverse, sự hòa nhập của người Việt hiện rất nhanh. Nhiều người từ ngành khác chuyển sang làm blockchain, metaverse nhưng cũng nhanh chóng đạt được thành công. "Về blockchain, xa hơn là metaverse, người làm công nghệ ở Việt Nam có thể tự tin rằng khoảng cách của họ với những người tiên phong đã rất nhỏ, thậm chí ngang hàng", ông Hưng nói.
Ông Hưng lấy ví dụ Axie Infinity, game metaverse nổi bật nhất 2021, cũng là do đội ngũ người Việt phát triển. Trong năm qua đã có rất nhiều dự án metaverse ra đời tại Việt Nam, tập trung vào game, trong đó có những dự án đã gọi đầu tư được hàng triệu USD từ vòng hạt giống.
Đồng quan điểm, ông Trần Dinh, CEO AlphaTrue, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đánh giá Việt Nam có lợi thế lớn về xây dựng phần mềm với nguồn nhân sự dồi dào. Một trong những minh chứng là làn sóng GameFi đã nở rộ, có những game dẫn dắt cả thị trường.
Tuy nhiên, ông Dinh cho rằng metaverse có hai phần là phần cứng và phần mềm. Về phần cứng, những công ty như Meta đã làm ra cánh tay robot để con người có thể tương tác như ngoài đời thật hoặc làm kính thực tế ảo. Đây là điểm còn yếu của các công ty tại Việt Nam.
"Về mảng này, Việt Nam khó có thể là đối trọng với các cường quốc công nghệ như Mỹ, Trung Quốc. Tuy nhiên, metaverse có rất nhiều lĩnh vực như AI, đồ hoạ, xây dựng avatar.... Các công ty đang làm rất tốt những thứ như đồ hoạ, thanh toán, AI là lợi thế rất lớn của Việt Nam, chúng ta cần chuẩn bị sẵn hàng trang để bước vào vũ trụ ảo’, ông Dinh nói.
Cả hai chuyên gia đều đánh giá metaverse không phải làm một trào lưu nhất thời, mà sẽ trở thành xu thế chung của tương lai.
Theo ông Trần Dinh, đại dịch khiến nhiều người nhận ra nhu cầu tương tác của họ nhiều như thế nào, trong khi các phương thức hiện tại chưa thể thỏa mãn điều đó. Song song với đó là nhu cầu thể hiện. Ở thế giới thực, chúng ta có thể mua những món đồ đắt tiền nhưng chỉ những người xung quanh biết đến. Trong khi trên metaverse, một NFT giá trị có thể khiến người mua nổi tiếng toàn thế giới. Đó là một vài trong số rất nhiều lý do mà các doanh nghiệp đổ nhiều tiền vào để làm ra những mô hình tương tác mới, đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Ông Dinh cũng cho rằng con người thực ra đang tham gia vào thế giới metaverse, có thể kể đến như là các trò chơi với những nhân vật ảo, có tương tác, giao dịch với nhau.
Ngoài các công ty như Meta đầu tư vào phát triển metaverse, kính thực tế ảo, nhiều công ty khác từ lĩnh vực game đến thời trang đều đã tham gia vào vũ trụ ảo, cho thấy công nghệ này đang ngày một phổ biến và được nhiều công ty từ khởi nghiệp đến truyền thống ủng hộ.
Tuy nhiên, thành viên đến từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng nhận định hiện "chưa có nhiều sản phẩm thực thụ để người dùng trải nghiệm, hoặc chỉ có một số nhỏ người dùng được trải nghiệm nên họ không thấy thú vị". Để cải tiến điều này, nhiều công ty đã đầu tư vào các công ty giải trí để tăng cường trải nghiệm trong metaverse. Ví dụ, Microsoft chi 65 tỷ USD để mua công ty game. "Họ phải rất tự tin, nhìn thấy tiềm năng của thị trường mới làm lớn như vậy", ông đánh giá.
Trước thông tin về về dòng tiền đổ vào lĩnh vực này giảm, hay người dùng bớt quan tâm đến metaverse sau giai đoạn nở rộ 2021, ông Hưng nhận định đây là quy trình quen thuộc của một công nghệ mới. Lấy ví dụ, với việc phát triển của Internet những năm 2020, nhiều dự án và kỳ vọng của người dùng được thổi phồng, dẫn đến dòng tiền lớn đổ vào thị trường này và gây ra bong bóng dotcom. Sau đó, sự quan tâm dần thoái trào, nhưng bản thân Internet lại phát triển và tạo ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống như ngày hôm nay.
"Dòng tiền, sự quan tâm chỉ thể hiện thị hiếu nhất thời của cộng đồng, chứ không thể hiện sự phát triển của công nghệ đó. Đây cũng chính là giai đoạn để những người làm công nghệ có thể thực sự tập trung để xây dựng những sản phẩm có ích cho cộng đồng", ông Hưng nói. Theo Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab, cần nhìn nhận metaverse ở việc nó là một công nghệ hướng đến trải nghiệm người dùng hơn là từ khóa để thu hút dòng tiền.
"Nếu chúng ta nhìn metaverse là điểm hội tụ toàn bộ các công nghệ liên quan để nâng cao trải nghiệm người dùng, để người dùng cảm thấy thoải mái hơn, đó là xu thế. Còn nếu chúng ta nói về dòng tiền đổ vào những dự án mới nở rộ ra, phát triển sản phẩm metaverse, những thứ đó không phục vụ vấn đề công nghệ, nó chỉ là kết quả của sự hào hứng của cộng đồng nói chung với công nghệ mới", ông Hưng nói.
Về thách thức với việc phát triển metaverse tại Việt Nam, ông Hưng - dưới vai trò một nhà nghiên cứu về blockchain - cho rằng các công ty cần xác định họ là người dẫn đầu, nên phải khai phá, dấn thân. Ngoài ra, làn sóng đầu tư vào metaverse bùng nổ rồi đi xuống và những người xác định đi đường dài cần chuẩn bị tâm lý này.
Xem diễn biến chính