Chứng khoán

Maybank: Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận bứt phá trong nửa cuối năm, VN-Index hướng đến 1.420 điểm

Theo báo cáo chiến lược tháng 5 của Maybank Investment Bank (MSVN), lợi nhuận quý I tăng 11,5% so với cùng kỳ. Kết quả khả quan ở các ngân hàng, bán lẻ, thép và hậu cần bù đắp lợi nhuận đáng thất vọng từ bất động sản dân cư, năng lượng và hóa chất. Trong khi đó, công nghệ thông tin và đồ uống phù hợp với dự báo của MSVN.

Trong tương lai, mặc dù MSVN kỳ vọng lãi suất sẽ cao hơn nhưng xác suất của quá trình phục hồi hình chữ U trên thị trường bất động sản kéo dài ngày càng tăng. Điều này sẽ tác động đến các ngành khác, trong đó có ngân hàng.

Do đó, các chuyên gia điều chỉnh giảm 1,5 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 xuống còn 15,2%. Tuy nhiên, thách thức này chỉ mang tính ngắn hạn. Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ tăng tốc trở lại trong nửa cuối năm 2024, dẫn đầu là ngân hàng, bán lẻ, bất động sản, thép, công nghệ thông tin và hóa chất.

MSVN duy trì quan điểm lạc quan về thị trường chứng khoán dựa trên ba yếu tố chính. Thứ nhất là tăng trưởng lợi nhuận mạnh hơn trong 6 tháng đầu năm 2024. Thứ hai là tiến trình vững chắc hướng tới việc FTSE nâng hạng thị trường Việt Nam lên thị trường mới nổi (dự kiến vào tháng 3/2025).

Cuối cùng, định giá thị trường vẫn hợp lý. Các tổ chức phi ngân hàng đang giao dịch ở mức P/E 20,4 lần, cao hơn một chút so với mức trung bình 3 năm trong khi các ngân hàng vẫn đang dao động ở mức P/B hấp dẫn là 1,6 lần, gần mức trung bình 3 năm - 1 độ lệch chuẩn.

Do đó, MSVN duy trì mục tiêu cho VN-Index ở mức 1.420 điểm, tương ứng với P/E là 14,2 lần.

(Nguồn: Báo cáo chiến lược tháng 5 của MSVN).

Về vĩ mô, mặc dù kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất thị trường thêm khoảng 100 điểm cơ bản để bảo vệ đồng nội tệ đang suy yếu, nhóm phân tích chỉ coi đây là một thách thức ngắn hạn và dường như sẽ không làm chệch hướng nền kinh tế.

VND trượt giá so với USD tăng lên 2,0% trong tháng 4/2024 (so với 0,6%, 0,9% và 0,7% vào tháng 3, tháng 2 và tháng 1 năm 2024). Nguyên do là Fed giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn và lạm phát trong nước gia tăng (4,4% so với cùng kỳ trong tháng 4/2024 từ 4,0% so với cùng kỳ trong tháng 3 năm 2024).

Điều này làm thay đổi quan điểm của nhóm phân tích theo hướng ủng hộ Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất trong nước nhằm giải quyết một cách toàn diện chênh lệch lãi suất với Mỹ, tức là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự yếu đi của VND.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ bán tín phiếu kho bạc, USD và vàng mạnh mẽ hơn đồng thời tăng lãi suất chính sách (cụ thể là trần lãi suất tiền gửi 6 tháng để thể hiện lập trường của mình) để tăng dần lãi suất thị trường lên 100 điểm cơ bản trong quý II và quý III.

Mặc dù sẽ thách thức đến nền kinh tế trong ngắn hạn, mức tăng này sẽ đưa lãi suất trở lại mức Covid-19 từ mức thấp kỷ lục hiện tại và không làm chệch hướng quá trình phục hồi kinh tế dài hạn.

 

 (Nguồn: Báo cáo chiến lược tháng 5 của MSVN).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm