Tăng hấp thụ vốn
Công ty Thuận Phát (quận 12, TPHCM) là DN nằm trong top 5 nhóm ngành ưu tiên cho vay lãi suất ưu đãi, chuyên hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ khí ngành công nghiệp hỗ trợ, thiết kế chế tạo máy. Ông Nguyễn Bá Vinh, đại diện công ty cho biết, lãi suất vay của đơn vị đang được giảm sâu và hiện tại chỉ bằng phân nửa so với năm ngoái.
“Lãi suất hiện nay chỉ còn 4,5%/năm. Việc giảm lãi vay giúp chúng tôi tiết giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh. Đây là mức lãi suất mơ ước với nhiều DN so với trước đây. Không chỉ giảm lãi suất cho vay, ngân hàng còn rất dồi dào vốn. Chúng tôi vừa làm hồ sơ vay thêm 20 tỷ đồng để đầu tư máy móc mới, hiện đại. Thủ tục nhanh chóng, thuận lợi” – ông Vinh chia sẻ.
Thay vì trước đây, Công ty Rừng Xanh (quận Bình Tân, TPHCM, chuyên sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm như quế, mật ong rừng…) phải đến từng ngân hàng tìm hiểu từng gói vay thì hiện nay, rất nhiều nhà băng liên hệ chào mời các gói vay cũng như các ưu đãi hấp dẫn. Hiện tại đã có 3 ngân hàng đồng ý cho DN này vay 10 tỷ đồng để thu mua nguyên liệu của nông dân.
“Nếu vay ngắn hạn thì lãi suất khoảng 4%/năm, còn vay trung, dài hạn thì tầm 8 – 9%/năm. So với cùng kỳ của năm ngoái, lãi suất đã giảm khoảng 50%. Khi lãi suất giảm, chi phí giảm, lợi nhuận của DN cao hơn. Lãi suất hấp dẫn nhưng chúng tôi vẫn đang cân nhắc” – bà Phạm Thị Hương, chủ DN nói.
Ghi nhận của phóng viên tại một số DN sản xuất - kinh doanh và xuất nhập khẩu ở phía Nam cho thấy, nhu cầu vay vốn lưu động có nhiều tín hiệu tích cực do sự hồi phục đơn hàng gia công. Xuất khẩu ở các thị trường lớn bắt đầu tăng trưởng từ đầu quý II, nhất là các lĩnh vực thủy sản, dệt may, đồ nội thất, linh kiện điện tử…
Ông Hoàng Quang, Giám đốc Công ty chuyên xuất khẩu đồ gỗ nội thất ở Bình Dương cho biết, vừa vay vốn lưu động với lãi suất 5,8%/năm. Đây là mức lãi suất thấp nhất từ trước đến nay mà DN này vay được.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhìn nhận, các DN có dòng tiền tốt, tài chính lành mạnh tiếp cận được lãi suất vay ngắn hạn phổ biến khoảng 6 - 7%/năm. Các DN nhỏ, không có nhiều tài sản đảm bảo cũng có thể vay với lãi suất 8 - 9%/năm. Ngoài ra, một số DN cũng tiếp cận được các khoản vay ưu đãi với lãi suất giảm 1,5 - 2% so với lãi vay thông thường.
Tiếp tục hỗ trợ
Số liệu vừa cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho thấy tín dụng tháng 4/2024 trên địa bàn thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
Theo dõi qua các tháng đầu năm 2024 cho thấy, sau khi giảm vào tháng 1, tín dụng TPHCM đã tăng trưởng trở lại và duy trì tốc độ tăng trưởng dương vào các tháng sau đó. Cụ thể, tháng 2 tăng 0,01%; tháng 3 tăng 1,9% và tháng 4 tăng 0,35%. Như vậy, bốn tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn tăng 1,31% và tăng 9,33% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, chính sách tín dụng và lãi suất tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN về vốn, chi phí tài chính và kích thích DN mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, tín dụng trung dài hạn tăng trưởng cao hơn tín dụng ngắn hạn (tăng 1,96% trong 4 tháng đầu năm, trong khi tín dụng ngắn hạn tăng 0,6%).
Chia sẻ về lý do tín dụng liên tục duy trì đà tăng trưởng, ông Lệnh cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 40.000 khách hàng với tổng dư nợ được cơ cấu đạt trên 46.700 tỷ đồng; giải ngân gói tín dụng cho DN ngành lâm sản, thủy sản với doanh số đạt 2.521 tỷ đồng; thông qua chương trình kết nối ngân hàng - DN đã giải ngân hơn đạt 184.000 tỷ đồng…
Chương trình cho các DN trong KCN-KCX trên địa bàn vay vốn, đến nay đã đạt hơn 222.000 tỷ đồng với 3.634 khách hàng vay vốn, tăng 3,8% so với cuối năm (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn); cho vay bình ổn thị trường đạt 3.631 tỷ đồng…
“Thời gian tới, cần tiếp tục phối hợp hiệu quả giữa các sở, ban ngành, quận huyện trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN; kết nối ngân hàng – DN. Đồng thời, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi luân chuyển vốn và tạo lập dòng tiền. Điều này có ý nghĩa quan trọng để tín dụng tiếp tục tăng trưởng hiệu quả” – ông Lệnh nói.
Báo cáo mới đây của Cục Thống kê TPHCM cho thấy, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố trong bốn tháng đầu năm 2024 đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng trưởng cao nhất tính từ đầu năm đến nay.