Doanh nghiệp

Masan dự kiến lãi 1.000 tỷ sau thương vụ với Mitsubishi

H.C. Starck Holding thuộc Masan High-Tech Materials - công ty thành viên của tập đoàn Masan, thành lập từ năm 2010. Ngoài việc mua lại công ty, các bên còn ký thêm thỏa thuận bao tiêu APT và oxit vonfram, kỳ vọng đem lại lợi ích dài hạn cho đôi bên. Giao dịch dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay. Tuy đã bán H.C. Starck Holding nhưng tập đoàn vẫn hưởng một phần lợi nhuận khi công nghệ tái chế "black mass" do đơn vị này phát triển được thương mại hóa.

Số tiền thu được từ giao dịch sẽ giúp giảm nợ vay của Masan High-Tech Materials và góp phần vào mục tiêu giảm nợ ròng trên EBITDA (Debt/ EBITDA) của tập đoàn Masan về mức nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 lần. Ngoài ra, Masan dự kiến sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận một lần khoảng 40 triệu USD (khoảng 1.000 tỷ đồng) từ giao dịch này. Trong dài hạn, đơn vị hưởng lợi từ việc tăng lợi nhuận thuần sau thuế thêm 20-30 triệu USD.

Nhà máy của Starck Holding ở Goslar, Đức. Ảnh: Masan

Nhà máy của Starck Holding ở Goslar, Đức. Ảnh: Masan

Masan sẽ giữ phần sở hữu tại Nyobolt - công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh, chuyên cung cấp giải pháp pin sạc nhanh sử dụng vonfram, niobium ở cực anode.

Nyobolt đang bắt đầu tiến trình mở rộng quy mô hoạt động và thương mại hóa sản phẩm. Tháng 7/2023, công ty đã ra mắt thành công mẫu concept xe điện với thời gian sạc đầy chỉ mất 6 phút; ký kết thỏa thuận nguyên tắc với hai khách hàng thương mại lớn. Tập đoàn cho biết sẽ nhận được khoản lợi nhuận khi công nghệ pin sạc nhanh sử dụng vonfram và niobium ở cực anode của Nyobolt được thương mại hóa một cách rộng rãi.

Nói về các hoạt động này, ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan kiêm Chủ tịch MHT nhấn mạnh doanh nghiệp sẽ tái cấu trúc MHT thành nhà sản xuất vonfram có chi phí tối ưu nhất nhằm tối đa hóa dòng tiền. Tập đoàn sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp chiến lược, dồn lực để phát triển mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi.

Ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group, chia sẻ tại ĐHĐCĐ Masan 2024. Ảnh: Masan

Ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group, chia sẻ tại ĐHĐCĐ Masan 2024. Ảnh: Masan

Về đối tác MMC Group, giao dịch mua bán H.C. Starck Holding được đánh giá sẽ phát huy thế mạnh của tập đoàn trong chuỗi giá trị vonfram chế biến cận sâu và chế biến sâu. Từ đây, đơn vị tiếp nhận các cơ sở sản xuất của HCS ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc cũng như nền tảng tái chế phế liệu vonfram toàn diện với 90 bằng sáng chế trên toàn thế giới, 53 bằng sáng chế khác đang trong giai đoạn đăng ký.

Ông Kazuo Ohara, Chủ tịch của mảng kinh doanh Metalworking Solutions thuộc MMC Group cho biết, ông vui mừng khi tiếp tục hợp tác với MHT. Theo Chủ tịch này, cùng với chuyên môn và mạng lưới rộng khắp của MMC Group, đơn vị kỳ vọng tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của các bên.

"Giao dịch này đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thực hiện chiến lược năm 2031 của chúng tôi nhằm phát triển hơn nữa trong nền công nghiệp vonfram, đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn", ông nói.

UBS AG chi nhánh Singapore đóng vai trò là đơn vị tư vấn tài chính cho Masan trong giao dịch với MMC. Masan High-Tech Materials là nhà cung cấp vật liệu vonfram, sử dụng trong các ngành công nghiệp then chốt như điện tử, hóa chất, ôtô, hàng không vũ trụ, năng lượng và dược phẩm. Đơn vị hiện có cơ sở sản xuất tại Việt Nam, Đức, Canada và Trung Quốc.

MMC Group là nhà sản xuất vật liệu tích hợp, cung cấp các vật liệu cơ bản như đồng và xi măng. Đơn vị cũng sản xuất và bán các bộ phận cơ khí, vật liệu điện tử, linh kiện dùng trong ôtô, đồ gia dụng; tái chế và kinh doanh năng lượng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm