Trong đơn kiện gửi lên tòa án Mỹ, ông Karl Racine, Tổng chưởng lý Columbia, cáo buộc Zuckerberg đã tạo ra các quy tắc bảo mật lỏng lẻo trong vụ Cambridge Analytica, cho phép công ty bên thứ ba thu thập dữ liệu người dùng mà không có sự đồng ý. Ngay cả khi phát hiện, Facebook cũng không thông báo kịp thời cho người dùng và đảm bảo dữ liệu đã bị xóa.
Ông Racine cho rằng Zuckerberg đã vi phạm đạo luật về bảo vệ người tiêu dùng Mỹ thông qua việc gây hiểu lầm về quyền riêng tư dữ liệu, cũng như không tiết lộ cho họ khi thông tin bị vi phạm.
"Zuckerberg không phải là bù nhìn tại Facebook vì ông ấy tham gia vào hầu hết mọi quyết định quan trọng của công ty. Với việc trực tiếp giám sát việc phát triển sản phẩm, ông ta phải chịu trách nhiệm khi dữ liệu người dùng bị lạm dụng", đơn kiện có đoạn.
Racine từng thay mặt Columbia đệ đơn kiện Facebook, hiện là Meta, từ 2018 vì bê bối Cambridge Analytica. Tuy nhiên, hiện ông bổ sung hồ sơ, trong đó Zuckerberg là thực thể chính.
"Vụ vi phạm bảo mật chưa từng có này làm lộ hàng chục triệu thông tin cá nhân của người Mỹ. Không những thế, chính sách của Zuckerberg tạo điều kiện cho Facebook đánh lừa người dùng trong nhiều năm", Racine nói với Washington Post. "Vụ kiện là thông điệp cần thiết gửi đến các lãnh đạo công ty, bao gồm cả CEO, những người sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ hành động nào của họ".
Cambridge Analytica là bê bối dữ liệu bị phát hiện vào năm 2018. Trước đó, từ 2015, giáo sư Đại học Cambridge Aleksandr Kogan thu thập thông tin cá nhân của 270.000 người dùng Facebook, sau đó chuyển cho Cambridge Analytica - doanh nghiệp từng tham gia chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, Facebook sau đó bị phát hiện đã chia sẻ trái phép dữ liệu của hơn 87 triệu người dùng thay vì số lượng vài trăm nghìn ban đầu. Hầu hết được cho là được dùng vào mục đích chính trị và liên quan đến chiến dịch tranh cử năm 2016 của Trump. Scandal cũng khiến Zuckerberg phải điều trần trước Quốc hội Mỹ, còn Facebook bị kiện và phải nộp phạt hàng tỷ USD ở nhiều quốc gia.
(theo The Verge)