Phiên giao dịch cuối cùng năm 2021, giá vàng miếng SJC trong nước ở mức 60- 61 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Tuy nhiên, chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm, giá vàng liên tiếp tăng mạnh, đạt kỷ lục mới. Giá vàng đã tăng gần 1 triệu đồng/lượng trong các phiên giao dịch gần đây. Ngày 3/3, giá vàng miếng SJC tăng lên 66- 67 triệu đồng/lượng. Như vậy, kể từ đầu năm tới nay, giá vàng tăng tới 5,7 triệu đồng/lượng. Sau khi trừ chênh lệch giữa giá mua vào bán ra, nhà đầu tư lãi khoảng 4,8 triệu đồng/lượng, tương đương lợi nhuận 7,8% trong 2 tháng.
Từ đầu năm tới nay, giá vàng tăng gần 8%, nhà đầu tư lãi khoảng 4 triệu đồng/lượng. Ảnh: Như Ý
Khảo sát của PV Tiền Phong tại cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) ngày 3/3 cho thấy, với vàng miếng SJC, chủ yếu người dân đến bán chốt lời. Anh Nguyễn Đức Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) mang theo 2 lượng vàng bán cho biết, chênh lệch mỗi lượng khoảng 3 triệu đồng.
“Từ đầu năm nay, nhiều hàng hoá tăng giá. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng thấp nên tôi chia một phần vốn đầu tư mua vàng. Vàng tăng giá mạnh, tôi bán, lời cũng hơn gửi tiết kiệm”, anh Đức Anh chia sẻ.
Bà Lê Thị Hiền, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cũng cho hay, từ đầu năm 2022, bên cạnh nhu cầu mua vàng lấy may, DOJI ghi nhận lượng khách hàng mua vàng tích sản nhiều hơn năm trước. “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân có tiền muốn tích luỹ tài sản có tính bền vững, an toàn như vàng, nhất là khi dịch bệnh khiến nguy cơ lạm phát tăng cao, cũng như dự báo giá vàng có thể tăng vào giữa năm”, bà Hiền nói.
Theo Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước tăng do tác động của giá vàng thế giới khi lạm phát tại các quốc gia tăng cao và ảnh hưởng của giao tranh giữa Nga- Ukraine. Trong nước, nhu cầu mua sắm vàng trong ngày Thần tài, Lễ Tình nhân 14/2 làm chỉ số giá vàng tháng 2/2022 tăng 1,85% so với tháng đầu năm. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm của ngân hàng năm 2022, lãi suất kỳ hạn 3 tháng chỉ dao động 3,3 -3,6% tuỳ theo ngân hàng. So với các kênh đầu tư truyền thống khác như gửi tiết kiệm ngân hàng, đầu tư chứng khoán, “lướt sóng” vàng từ đầu năm tới nay sinh lợi nhiều nhất.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, giá vàng trong nước tăng lên ngưỡng cao kỷ lục do căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Giá vàng tăng mạnh không dựa trên nền tảng của sự phát triển kinh tế nên chỉ mang tính nhất thời, không bền vững.
“Khi xảy ra xung đột địa chính trị, chứng khoán và giá vàng sẽ biến động mạnh. Tuy nhiên, căng thẳng nào rồi cũng sẽ hạ nhiệt, điều này sẽ kéo theo đà giảm của vàng. Vì vậy, tôi cho rằng, giá vàng hôm nay tăng chỉ có tính cục bộ, nên mua vào hay bán ra đều phải rất cẩn trọng”, ông Thịnh cảnh báo.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam phân tích, dưới áp lực lạm phát, bắt buộc Fed phải điều chỉnh lãi suất là nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng cao trong thời gian ngắn. “Căng thẳng Ukraine và Nga khiến thị trường bị “sốc”. Hiện nay, giá vàng vẫn đang duy trì ở mức 1.930 USD/ounce và thậm chí còn có thể cao hơn”, ông Hùng phân tích.
Theo ông Hùng, chúng ta không có nguồn cung, người dân mua vào và ít bán ra, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát, người dân đi mua vàng để tích trữ. Trong ngắn hạn, giá vàng có thể dao động quanh mức 68 triệu đồng lượng và sẽ điều chỉnh theo giá vàng quốc tế.
Giao tranh Nga - Ukraine cũng gây xáo trộn thị trường tài sản toàn cầu. Khi giao tranh vừa nổ ra, giá các tài sản trú ẩn như vàng lập tức tăng vọt, còn tài sản rủi ro lao dốc. Tuy nhiên, chỉ sau vài phiên điều chỉnh, tâm lý thị trường dần ổn định, chứng khoán toàn cầu lấy lại đà hồi phục…