Doanh nhân

Chuyên gia bàn giải pháp sau vụ các đại gia BĐS ồ ạt “đấu giá - bỏ cọc”: Từ tầm nhìn quy hoạch 10 năm đến những con đường “đắt nhất hành tinh”

Câu chuyện bỏ cọc đất vàng sau khi trúng thầu với mức giá 2,4 tỷ đồng/m2 của Tân Hoàng Minh đã gây sự chú ý khi một doanh nghiệp khác trong cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm xin không triển khai dự án.

2 doanh nghiệp còn lại thắng thầu với mức giá xấp xỉ 470 – 600 triệu đồng/m2 vẫn chưa nộp tiền quyền sử dụng đất, ngoài số tiền đặt cọc ban đầu, theo thông tin từ Tạp chí Nhà đầu tư sau khi trao đổi với lãnh đạo Cục Thuế TPHCM ngày 25/2.

Liên quan đến vụ đấu giá đất, Bộ Xây dựng có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 9/2 nhận định hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá, thu lợi bất chính đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, một số vụ việc có tổ chức.

Kết quả trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đã tác động đến thị trường bất động sản khu vực. Với trường hợp đấu giá đất "vàng" Thủ Thiêm, kết quả trúng đấu giá 4 lô đất đã tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, thị trường bất động sản khu vực Thủ Thiêm. Sau khi có thông tin kết quả trúng đấu giá các lô đất này, giá rao bán đất nền, nhà ở khu vực Thủ Thiêm đã đồng loạt tăng nhưng giao dịch ghi nhận rất ít.


GS.TSKH Nguyễn Mại: Quy hoạch phải có tầm nhìn 10 năm và bài học từ Hà Nội, Bình Phước


GS. TSKH Nguyễn Mại bàn về giải pháp căn cơ sau vụ các đại gia BĐS bỏ cọc: Tầm nhìn quy hoạch 10 năm và những con đường đắt nhất hành tinh của Việt Nam! - Ảnh 1.

Tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa là một trong những con đường đắt nhất hành tinh ở Việt Nam.

Chia sẻ tại tọa đàm "Chính sách về đấu giá quyền sử dụng đất" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 3/3, GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), khẳng định: Công khai, minh bạch là tốt trong đấu giá, đấu thầu. Không có nước nào trên thế giới không coi đất đai là tài nguyên quan trọng nhất.

"Tuy nhiên, qua câu chuyện ở huyện Lộc Ninh (Bình Phước) khi có quy hoạch khu đô thị, trước khi công bố quy hoạch, các nhà đầu tư mua gom đất của dân với 1 giá thấp nhằm gom sổ đỏ, sau đó khi công khai quy hoạch họ sẽ bán được với giá gấp 2-3 lần giá lúc mua, bằng cách là khi đấu giá đất nằm trong quy hoạch, sẽ có hàng xe ô tô con, bus lên đóng kịch, mồi chài lên giá và ăn chênh lệch rất lớn".

"Vì vậy có thể thấy, quan trọng là bắt đầu từ quy hoạch. Hiện, chúng ta có những con đường đắt nhất thế giới do chi phí giải phóng mặt bằng rất cao. Hà Nội đã từng có quyết định rất tốt khi mở rộng đường Kim Liên, lấy 2 bên đường 50 m, lấy tiền đền bù bằng giá trị tiền thuê đất tăng lên, theo quy hoạch Hà Nội sẽ có khu đô thị hiện đại 2 bên cầu Kim Liên nhưng sau đó lại không thực hiện được", GS. TSKH Nguyễn Mại nuối tiếc.

Chủ tịch VAFIE nhìn nhận vấn đề quy hoạch cần phải có tầm nhìn dài hạn, trong vòng 10 năm, chứ không phải chuyện quy hoạch trong vòng một hay vài năm.

"Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT cần có nghiên cứu hướng dẫn làm quy hoạch đất đai trong quá trình đô thị hoá. Cùng với đó, ở đâu có quy hoạch thì phải có dữ liệu công khai để người dân, nhà đầu tư tiếp cận được một cách công bằng cho tất cả".

"Riêng với câu chuyện Thủ Thiêm tại TPHCM, cần nhìn nhận rằng, những thành phố lớn như TP.HCM rất cần rút kinh nghiệm. Không thể nói như Sở Tư pháp, TPHCM là làm đúng pháp luật thì không xử lý được mà cần có cách nhìn dài hạn hơn, có sách lược để kiến nghị giải quyết chung cho cả nước. Không thể coi là đúng pháp luật thì cho qua và không rút kinh nghiệm", GS.TSKH Nguyễn Mại nhận định.


Đề xuất cấm doanh nghiệp bỏ thầu trong 5 năm không được đấu thầu, không để DN coi đấu giá là trò đánh bóng tên tuổi

Cũng tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế Đại học Luật Hà Nội – nhấn mạnh: Tình trạng bỏ cọc của các nhà đầu tư tại địa phương là không mới.

"Tuy nhiên, gần đây, sau câu chuyện bỏ cọc của Tân Hoàng Minh, thì chúng ta mới để ý đến nó. Về cơ bản, những nhà đầu tư này cũng không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, câu chuyện cần phân tích ở đây chính là qua những vụ việc bỏ cọc với giá cao như vậy, thì nó sẽ dẫn đến hệ lụy gì về kinh tế - xã hội. Điều này là rất đáng lo ngại. Những vụ đấu giá cao bất thường sẽ khiến mặt bằng giá bất động sản tăng cao, với một giá ảo".

Không nên để doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp luật, coi đấu giá là trò chơi để đánh bóng tên tuổi

"Bên cạnh đó, nó cũng khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Hiện tại, chúng ta cần có chế tài đánh giá các doanh nghiệp tham giá đấu giá, xem hồ sơ pháp lý có sạch sẽ hay không, trong 5 năm có bỏ cọc sau đấu giá hay không. Nếu vi phạm thì nên không cho tham gia", ông Tuyến nói.

Ông Tuyến cũng khuyến nghị cần có chế tài cần nghiêm khắc hơn với các doanh nghiệp bỏ cọc như bổ sung mức tiền phạt, cấm trong 5 năm không được đấu giá. Nếu tái phạm, có thể xem xét về xử lý trách nhiệm hình sự.

"Không nên để doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp luật, coi đấu giá là trò chơi để đánh bóng tên tuổi. Chúng ta cần yêu cầu các nhà đầu tư phải có trách nhiệm với xã hội cũng như tính bền vững của thị trường", ông Tuyến khuyến nghị.

Ở góc nhìn khác, TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội – đặt vấn đề: Thế nào là thị trường? Theo ông, thị trường là giá hợp người mua người bán, mức giá cao không vi phạm pháp luật.

"Về tư duy luật pháp, cần nhấn mạnh rằng luật pháp chưa hoàn chỉnh thì đừng bắt tội nhà đầu tư, do vậy, cần hoàn chỉnh, hoàn thiện nó. Trong tiếng Anh có một từ "Legal but not ethical" chưa có tương đương trong tiếng Việt nhưng với nghĩa là áp dụng luật một cách có lợi nhất cho nhà đầu tư", TS. Hiếu nói.

"Rõ ràng để tránh những hệ lụy trên, có 2 điều phải làm: Không thể chỉ chăm chăm vào luật đất đai và đấu giá tài sản mà cần sửa đổi đồng bộ, mục tiêu là làm thế nào để nâng cao giá trị sử dụng mảnh đất đó thay vì chỉ nhìn vào mặt tài chính, vượt qua các giá trị đơn thuần về mặt tài chính, mục tiêu thu về là phải tối đa".P

Cùng chuyên mục

Đọc thêm