Từ lâu, các nhà đầu tư chuyên nghiệp khi đầu tư vào thị trường chứng khoán luôn nhìn vào chu kỳ kinh tế. Khi kinh tế tăng trưởng và đạt đỉnh, thị trường chứng khoán cũng sẽ phản ánh và ngược lại khi nền kinh tế lao dốc thị trường cũng sẽ đi theo. Tuy nhiên với các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường sẽ khó cảm nhận sớm hơn về chu kỳ kinh tế đó vì chưa có trải nghiệm tương tự.
Tại Talkshow Phố Tài chính, ông Trần Thăng Long Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC) cho rằng trong suốt quá trình lịch sử kinh tế của những quốc gia như Hoa Kỳ, trong hơn 100 năm vừa qua họ đã trải qua khoảng 15 chu kỳ kinh tế khác nhau.
Mức thời gian của một chu kỳ sẽ kéo dài đâu đó khoảng 6 năm cho đến thời gian gần đây là 10 năm. Trong đó, phần suy thoái của kinh tế kéo dài khoảng dưới 1 năm, phần còn lại là thời gian phục hồi và tăng trưởng của thị trường.
Theo ông Long, khi nói đến chứng khoán người ta thấy có những điểm tương đồng như chu kỳ kinh tế nhưng về mặt thời gian sẽ có những độ trễ khác nhau chẳng hạn định nghĩa của một kỳ suy thoái được chấp nhận rộng rãi nhất là hai quý tăng trưởng sản lượng GDP âm, độ trễ kéo dài đến cả quý.
Vì vậy khi xác định được nền kinh tế nào đã bắt đầu rơi vào suy thoái, vấn đề suy thoái đã diễn ra trước đó ít nhất một quý rồi. Trong khi đó chứng khoán sẽ phản ánh sớm hơn những rủi ro của nền kinh tế.
Còn theo ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp, Đại học Bristol, Anh, có thể thấy hầu như các thị trường chứng khoán họ vận động đi theo chu kỳ kinh tế. Nhưng khi chu kỳ kinh tế đi đến một điểm sẽ tạo ra lạm phát và khi lạm phát quá cao sẽ tạo ra nhiều bất ổn về vĩ mô cho các nước.
Các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải tăng lãi suất và khi họ rút tiền về trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền có thể đổ vào thị trường chứng khoán nói chung. Như vậy ta thấy mối liên hệ chủ yếu thông qua chênh lệch giữa bơm và rút vốn trong nền kinh tế của ngân hàng Trung ương cũng như yếu tố lạm phát cũng yếu tố tăng trưởng kinh tế.
“Đoạn suy thoái hiện tại cũng tương đối kéo dài nhưng cũng không nặng mà chỉ ở mức trung bình hoặc nhẹ. Nguyên nhân bởi thị trường lao động hiện nay vẫn rất tốt, tỷ lệ thất nghiệp cực thấp.
Như vậy người dân gặp khó khăn hơn nhưng họ vẫn có nguồn tiền để chống chịu với những diễn biến xấu của thị trường kinh tế. Đồng thời khi Fed tăng lãi suất nhanh, đến cuối con đường, lãi suất sẽ không tăng nữa và thậm chí hiện nay đã có một số giao dịch cho thấy dự đoán Fed sẽ phải cắt lãi suất trong năm sau. Nếu điều đó xảy ra chu kỳ kinh tế có thể kéo dài ngắn hơn 12 tháng.
Với Việt Nam, ông Tuấn đánh giá thế trận trong nước là một câu chuyện khác. Chúng ta có tăng trưởng kinh tế cao, dù có khó khăn hơn nhưng vẫn có tăng trưởng xuất khẩu. Trung Quốc trước đây vào giai đoạn Zero COVID siết chặt chi tiêu khi họ mở ra những gia tăng chi tiêu và đó cũng là một tấm nệm để tiêu dùng.
Vì những yếu tố này, Việt Nam có chiều hướng tăng trưởng dương và chi tiêu thấp do vẫn còn dư địa giải quyết về mặt chính sách làm thế nào để chi tiêu công lao động tốt hơn, thúc đẩy đầu tư hạ tầng,… Những yếu tố đó vẫn có thể đẩy chúng ta qua được giai đoạn khó khăn và không cần đi vào giai đoạn suy thoái.
"Theo như những nhà đầu tư nước ngoài mà tôi tiếp xúc, họ đều cho rằng Việt Nam là một điểm đến rất quan trọng của dòng vốn đầu tư. Kể cả khi suy thoái có nổ ra ở các quốc gia khác, Việt Nam vẫn chưa chắc rơi vào suy thoái.
Tôi nghĩ Việt Nam sẽ vượt qua chu kỳ này tốt nhất ngoài vấn đề về độ trễ chính sách, tăng trưởng GDP hai quý đầu năm so với cùng kỳ năm trước vào khoảng 6,4%, thêm vào đó cấu phần của GDP Việt Nam, tỷ lệ GDP đến từ dịch vụ, sản xuất công nghiệp và xây dựng chiếm đến 70% cho thấy một độ bền vững cao hơn. Lạm phát ở Việt Nam cũng ở mức độ vừa phải so với các quốc gia khác".
Ông Tuấn đánh giá, hiện nay lượng tiền mặt trên thị trường ở mức cao nhất trong khoảng 15 năm trở lại đây, ở các quỹ đầu tư. Điều này có nghĩa là có một nguồn tiền rất lớn đang sẵn sàng đầu tư vào thị trường.
Đa số mọi người đều nghĩ rằng chúng ta đang ở rất gần đáy rồi, nếu có một đợt sụt giảm nữa thì chỉ vào khoảng 10 – 15% nữa thôi chứ không thể hơn. Đối với thị trường toàn cầu bởi lượng tiền mặt đã quá lớn và dư địa về vĩ mô cũng cho thấy các yếu tố lạc quan hơn.
Thay vì dự báo đáy, nhà đầu tư cần chia những phần tiền cần giải ngân thành nhiều phần khác nhau. Nhà đầu tư có thể giải ngân trước một phần để đề phòng việc thị trường có thể phục hồi trở lại sớm hơn bình thường. Phần giải ngân sau cùng cần sẵn sàng khi thị trường đã phục hồi trở lại.