Tháng 7 được biết đến là là khoảng thời gian các doanh nghiệp bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý 2 và bán niên, đây là nguồn thông tin quan trọng tạo động lực cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, tháng 7 năm nay dường như tâm lý nhà đầu tư bị chi phối nhiều hơn bởi các biến động và thông tin trên thị trường thế giới.
Thị trường chứng khoán trong nước nhìn chung được chia làm hai thái cực. Nếu như nửa đầu tháng 7 VN-Index liên tục ghi nhận sự suy giảm rõ rệt thậm chí có thời điểm phá đáy tháng 6 thì giai đoạn còn lại dường như dễ thở hơn khi VN-Index đang manh nha hình thành mẫu đáy W.
Tính chung cả tháng, VN-Index tăng 8,73 điểm tương đương 0,73%, kết thúc tháng 7 ở mức 1.206,33 điểm. Mặc dù dòng tiền tích cực nhập cuộc vào các phiên giao dịch cuối nhưng nhìn chung thanh khoản trong kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Thống kê giao dịch của NĐT cá nhân trong tháng vừa qua, nhóm này có xu hướng mua ròng mạnh mẽ vào các nhịp giảm mạnh và bán ròng trở lại khi thị trường xuất hiện các nhịp hồi phục. Tính chung trong tháng 7, các cá nhân trong nước mua ròng 827 tỷ đồng trên HOSE nhưng bán ròng khớp lệnh 551 tỷ đồng.
Dòng tiền cá nhân chủ yếu rút khỏi nhóm thực phẩm và ngân hàng
Theo thống kê giao dịch khớp lệnh tại HOSE, nhóm này mua ròng tại 10/18 nhóm ngành. Trong đó, lực cầu chủ yếu tập trung ở nhóm bất động sản với quy mô gần gấp đôi tháng trước đó.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc thu hút gần 919 tỷ đồng vốn từ các cá nhân trong nước, tăng gần 444 tỷ đồng và vượt xa so với những nhóm ngành kế tiếp. Điều đó cho thấy sức hút đối với các NĐT cá nhân trong nước trong bối cảnh dòng tiền vào nhóm bất động sản có sự cải thiện.
Bên cạnh đó, lực cầu của cá nhân trong nước lần lượt tìm đến các ngành tài nguyên cơ bản (534 tỷ đồng), hóa chất (367 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (204 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (126 tỷ đồng),...
Chiều ngược lại, sự phân hóa trong giao dịch của NĐT cá nhân diễn ra mạnh mẽ khi nhóm này đẩy mạnh bán ròng ở nhóm thực phẩm và đồ uống. Giá trị bán ròng ở các cổ phiếu thực phẩm tăng 71% so với tháng 6, ở mức 1.168 tỷ đồng. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm này tăng từ 8,79% lên mức 9,86% và là cao thấp nhất trong 10 tháng gần đây. Ngoài ra là chỉ số giá cũng tăng 0,73% trong tháng.
Bên cạnh đó, cổ phiếu vua tiếp tục có mặt trong danh sách rút vốn, dù quy mô bán ròng đã giảm 31% từ 1.378 tỷ còn 947 tỷ đồng. Tương tự ngành thực phẩm, cổ phiếu của các nhà băng cũng có tháng giao dịch khá thuận lợi khi chỉ số giá ngành tăng nhẹ 1,9% so với tháng trước, mức thanh khoản cũng ghi nhận cải thiện từ 11% lên 14,94%.
Một số nhóm cũng bị xả ròng mạnh trong tháng qua còn có dịch vụ tài chính (317 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt ((191 tỷ đồng), công nghệ thông tin (86 tỷ đồng), hàng & dịch cụ công nghiệp (53 tỷ đồng), bảo hiểm (48 tỷ đồng),...
NĐT cá nhân mua bán thế nào trong tháng 7?
Xét giao dịch cụ thể theo từng mã, cổ phiếu VHM của Vinhomes dẫn đầu chiều mua khi thu hút lực cầu gần 640 tỷ đồng, cao hơn tương đối so với những mã còn lại trong danh mục.
Nhìn chung VHM duy trì xu hướng đi ngang trong kênh giá giảm trong cả tháng 7, thị giá mã này đã mất 4% và đóng cửa phiên cuối tháng ở ngưỡng 59.000 đồng/cp. Trái ngược với giao dịch các cá nhân, cổ phiếu của Vinhomes lại là một trong các tâm điểm xả ròng của khối ngoại với hơn 493 tỷ đồng.
Bên cạnh VHM, lực cầu cũng tìm đến các cổ phiếu khác thuộc nhóm bất động sản, xây dựng như VIC (296,1 tỷ đồng), DXG (146,8 tỷ đồng), CTD (103,2 tỷ đồng),...
Theo sau, các cá nhân nội cũng tìm các đại diện của nhóm bán lẻ, năng lượng, hóa chất,.. gồm PNJ (164,4 tỷ đồng), DCM (160,2 tỷ đồng), REE (147 tỷ đồng) hay DPM (128 tỷ đồng). Ngoài ra, SHB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất lọt Top mua ròng với giá trị lên tới 301,7 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, tâm điểm bán ròng của khối ngoại tập trung ở nhóm cổ phiếu của thực phẩm và ngân hàng như đã đề cập trước đó.
Cụ thể, mã VNM của Vinamilk dẫn đầu danh mục xả ròng với quy mô 623,6 tỷ đồng và cũng là đại diện duy nhất bị bán ròng trên 600 tỷ đồng. Nối tiếp, NĐT cá nhân cũng bán ròng các đại diện STB (421,5 tỷ đồng), VPB (238,7 tỷ đồng), ACB (189,7 tỷ đồng), VIB (170,9 tỷ đồng),... Một số cổ phiếu vua cũng nằm trong danh mục rút vốn ngoài Top10 có thể kể đến như LPB (122,5 tỷ đồng), CTG 89,1 tỷ đồng),...
Cùng chiều, nhóm này cũng bán ròng tại lần lượt các mã MSN (324,3 tỷ đồng), VND (237,2 tỷ đồng), GEX (191,4 tỷ đồng), NLG (158,3 tỷ đồng) và SAB (157,6 tỷ đồng).