Theo UBND huyện Long Thành, trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030, huyện này sẽ tăng thêm gần 4,9 ngàn ha đất công nghiệp. Diện tích đất công nghiệp tăng thêm thuộc 9 khu công nghiệp (KCN) và 4 cụm công nghiệp (CCN).
Trong đó gồm có KCN đầu tư xây dựng mới, KCN sẽ mở rộng diện tích như: Phước Bình 1, Phước Bình 2, Phước Bình 3, Phước Bình 4, Long Đức 3, Long Đức, An Phước, Bàu Cạn - Tân Hiệp, Công nghệ cao Long Thành. Các CCN được đầu tư trong giai đoạn tới có diện tích từ 68-75ha là: CCN ô tô Đô Thành, CCN Long Phước 1, CCN Bình An, CCN Phước Bình.
Riêng KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp sẽ có diện tích lớn nhất so với các KCN trên địa bàn huyện với hơn 2,6 ngàn ha. KCN này cuối năm 2020, đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch KCN Việt Nam. Hiện tỉnh đang phối hợp với các bộ ngành thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng để sớm thành lập và triển khai dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Sau khi các KCN trên hoàn thành hạ tầng và cho doanh nghiệp thứ cấp thuê đầu tư nhà xưởng, văn phòng để sản xuất kinh doanh, huyện Long Thành sẽ là nơi có công nghiệp phát triển nhất tỉnh.
Được biết, thời gian qua, Chính phủ, tỉnh Đồng Nai ưu tiên vốn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công về hạ tầng trên địa bàn huyện Long Thành. Mục tiêu trở thành một trung tâm phát triển kinh tế hàng đầu của khu vực phía Nam.
Đây cũng là huyện được ưu tiên nhiều nguồn vốn ngân sách để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối, phục vụ cho Sân bay Long Thành và kết nối giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Tây Nam bộ.
Theo đồ án quy hoạch vùng huyện Long Thành đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được phân thành 5 phân vùng phát triển gồm: vùng đô thị thị trấn Long Thành mở rộng và khu phức hợp công nghiệp, đô thị - dịch vụ Long Thành; vùng đô thị Bình Sơn nằm ở phía Đông Bắc của huyện; vùng dịch vụ thương mại - đô thị hỗn hợp phía Tây huyện; vùng khu vực chức năng đặc thù sân bay Long Thành; vùng công nghiệp đô thị dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao phía Nam sân bay Long Thành.