Doanh nghiệp

Lợi nhuận Vinachem tăng mạnh theo giá phân bón

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) báo kết quả kinh doanh thuận lợi. Doanh thu toàn tập đoàn ước đạt hơn 62.260 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Con số trên vượt kế hoạch cả năm khoảng 19% và tăng 17% so với năm 2021.

Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 6.023 tỷ đồng, tăng hơn 2,8 lần so với thực hiện năm 2021. Trong đó, nhiều đơn vị có tốc độ tăng lợi nhuận hai chữ số như Apatit Việt Nam tăng 175%, Hóa chất Việt trì tăng 152%, DAP - Vinachem tăng 97%, Phân lân Ninh Bình tăng 87%, Cao su Miền Nam tăng 84%, Phân bón và Hóa chất Cần Thơ tăng 81%...

Trong năm, tập đoàn đã sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 3 triệu tấn phân bón các loại, hơn 3.700 triệu chiếc lốp ôtô, hơn 2.300 triệu kWh ắc quy, gần 280.000 tấn chất giặt rửa và nhiều sản phẩm khác. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Vinachem tăng 15% lên hơn 780 triệu USD, riêng xuất khẩu tăng 27% so với năm 2021.

Ban lãnh đạo tập đoàn cho biết năm qua giá phân bón thế giới tăng cao tại tất cả thị trường. DAP có thời điểm lên tới 1.000 USD một tấn, đạm urê đạt 900 USD một tấn tại khu vực châu Á. Nhờ thế, giá các loại phân bón nước ta cũng tăng theo, một số sản phẩm phân bón chủ lực của Vinachem như urê, DAP, NPK giữ ổn định ở mức cao là điều kiện cho ngành sản xuất phân bón trong nước tiếp tục phát triển, mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, Vinachem cũng chịu tác động bởi các yếu tố kinh tế thế giới, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine, áp lực lạm phát cao, thị trường xuất khẩu thu hẹp, chi phí vận tải vẫn ở mức cao, biến động tỷ giá...

Trong năm qua, Vinachem đẩy mạnh công tác tái cơ cấu và cổ phần hóa. Trong đó, Tập đoàn thuê đơn vị tư vấn luật xây dựng phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất của các đơn vị. Tập đoàn cũng như thực hiện thoái vốn tại một số doanh nghiệp. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 13 triệu đồng mỗi người một tháng, tăng hơn 8% so với năm 2021.

Kết quả kinh doanh tích cực của Vinachem và ngành hóa chất nói chung được dự đoán kéo dài trong thời gian tới khi thị trường hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi. Báo cáo gần đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự đoán, hạn hán sẽ khiến thủy điện tại Trung Quốc giảm sản lượng, giúp giá phốt pho vàng tăng cao. Nguồn cung bị hạn chế trong khi nhu cầu tăng mạnh cũng hỗ trợ giá phốt pho vàng. Các thị trường chính sẽ là Trung Quốc (đẩy mạnh phát triển pin LFP), Nhật Bản và Hàn Quốc (sản xuất chất bán dẫn cho các thiết bị 5G). Theo đó, VCBS duy trì dự báo mức giá phốt pho vàng đạt 5.000 USD một tấn cho 2023.

Kịch bản tương tự cũng có thể diễn ra với phân DAP. Giá phân sẽ tăng cao do nguồn cung thiếu hụt, hỗ trợ biên lợi nhuận của các doanh nghiệp. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thế giới do lệnh cấm vận xuất khẩu của Trung Quốc và Nga đã đẩy giá phân DAP lên cao. Bên cạnh đó việc giá đầu vào - đá phosphate, vẫn duy trì rất cao cũng là yếu tố tích cực cho giá DAP. Sản lượng tiêu thụ kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong năm 2023. Bên cạnh đó, giá gạo đang có xu hướng tăng sẽ hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ phân bón giá cao.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm