Doanh nghiệp

Triển vọng sáng năm 2023 của doanh nghiệp sản xuất thịt

Gam màu sáng trong KQKD quý III của doanh nghiệp sản xuất thịt

Trong năm 2022, ngành chăn nuôi đã phải đối mặt không ít khó khăn khi nguồn thức ăn và con giống phụ thuộc vào nhập khẩu. Bên cạnh đó, những hạn chế trong hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng như việc kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm….

Ngoài ra, trao đổi với Nhadautu.vn, đại diện CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam cho biết chiến sự Nga – Ukraine đã đẩy giá dầu tăng cao, làm chi phí vận chuyển tăng và tác động ảnh hưởng lên làm nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, qua đó ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi.

Dữ liệu của CTCP Chứng khoán VnDirect cho thấy tổng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất thịt niêm yết trong 9 tháng năm 2022 ước tính giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi ròng giảm 6,2%.

Dữ liệu Nhadautu.vn ghi nhận chỉ duy nhất CTCP Hoàng Anh Gia Lai (+2874,33%), Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam – CTCP (+23,48%), CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (+16,72%) là những đơn vị báo lãi ròng tăng trưởng trong 9 tháng 2022.

Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng kỳ BCTC quý III/2022, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thịt đã có quý kinh doanh khá tích cực.

Triển vọng sáng năm 2023 của doanh nghiệp sản xuất thịt - Ảnh 1.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) là doanh nghiệp đứng ở vị trí quán quân về giá trị tuyệt đối lợi nhuận và con số tăng trưởng lãi ròng. Theo đó, doanh thu HAG quý III/2022 đạt 1.441 tỷ đồng, tăng hơn 160%. Trừ đi các chi phí, công ty gây ấn tượng với lãi ròng 369,5 tỷ đồng, tăng gấp hơn 17 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, cần phải làm rõ rằng các con số doanh thu/lợi nhuận kể trên không chỉ bao gồm mảng bán heo, mà còn có doanh thu từ trái cây, bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Theo BCTC quý III/2022, mảng bán heo của HAG đạt hơn 540 tỷ đồng, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, và chiếm hơn 37,4% cơ cấu doanh thu HAG.

Xếp sau HAG là CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) với doanh thu thuần quý III/2022 đạt 1.919,6 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm mạnh nên lợi nhuận gộp công ty ghi nhận tăng gấp 3 lần lên 216 tỷ đồng. Nhờ đó, lãi ròng BAF đạt 158 tỷ đồng, tăng gần 260%.

“Ông lớn” CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) ghi nhận doanh thu 3.567 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế hơn 206 tỷ đồng, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xếp sau đó là các đơn vị Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam – CTCP (UPCOM: VLC) với lãi ròng 78,3 tỷ đồng (+10,59%). Trong khi, CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (UPCOM: VSN) báo lãi 31 tỷ đồng, giảm 28,24% so với cùng kỳ năm ngoái.

CTCP Masan MEATLife (UPCOM: MML) là đơn vị duy nhất trong nhóm ghi nhận lỗ ròng 98 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ quý III/2021 lãi 122,5 tỷ đồng. MML cho biết KQKD sụt giảm kể trên là do không còn ghi nhận doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi.

Triển vọng sáng năm 2023

VnDirect nhìn nhận khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ giảm bớt trong năm 2023 nhờ việc giá lợn được kỳ vọng tăng 5%, với một số yếu tố hỗ trợ như: Nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi; và thiếu hụt nguồn cung khi hộ chăn nuôi vẫn ngần ngại trong việc tái đàn do giá heo giảm trong thời gian gần đây trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt lợn tại Việt Nam.

Mặt khác, giá hàng hóa có khả năng giảm trong 2023 do lo ngại ban đầu về tình trạng thiếu lương thực do xung đột đã lắng xuống khi các nước xuất khẩu khác tăng nguồn cung; ngũ cốc của Ukraine đã được vận chuyển trở lại sau thỏa thuận chấm dứt việc phong tỏa các cảng của nước này; và giá phân bón hạ nhiệt, góp phần thúc đẩy sản lượng thu hoạch nhờ tăng năng suất cây trồng.

Theo quan điểm của VnDirect, giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới. Vì vậy, VnDirect cho rằng chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ giảm dần vào năm 2023. VnDirect kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ thịt quý IV/2022 sẽ tăng 10-15% so với cùng kỳ do đây là mùa tiêu thụ cao điểm khi Tết Nguyên đán đến gần.

Trong năm 2023, VnDirect cho rằng nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ không giảm nhờ tăng trưởng thu nhập thực tế nhờ kế hoạch tăng lương cơ bản của chính phủ lên khoảng 20,8% vào năm 2023 và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi 84% trong quý II/2023 và 100% trong quý IV/2023, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống. Do đó, VnDirect cho rằng các nhà sản xuất thịt sẽ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu tích cực trong 2023.

Tuy vậy, VnDirect cũng nhìn nhận rủi ro của ngành chăn nuôi gồm: Căng thẳng kéo dài giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động vận tải trên Biển Đen có thể gây áp lực tăng giá ngũ cốc toàn cầu. Bên cạnh đó, do khoảng 80% nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu nên tỷ giá USD/VND tăng sẽ kéo theo giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng.

Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn vào năm 2023. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có 53 ổ dịch tại 53 huyện của 18 tỉnh. Tổng số lợn mắc bệnh là 3.164 con, tổng số lợn chết là 3.259 con. Trong bối cảnh vắc xin chưa cho kết quả tích cực cụ thể, dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ làm giảm nguồn cung lợn.

Đại diện BAF: Ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2023.

Năm 2023 vẫn sẽ có những khó khăn nhưng sẽ giảm hơn so với 2 năm vừa qua. Đặc biệt là khi các quốc gia tiêu thụ lớn đều đã mở cửa (đặc biệt là Trung Quốc). Sức tiêu thụ sẽ tăng. Mặt khác, thịt cũng là sản phẩm thiết yếu với người tiêu dùng.

Sau đại dịch COVID-19, có thể thấy người tiêu dùng đã quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe. Trước đây, có thể họ sẽ không quan tâm lắm đến thịt heo có nguồn gốc từ đâu, sạch như thế nào. Nhưng sau dịch và sau rất nhiều vấn nạn về an toàn thực phẩm như 1 hồi chuông cảnh báo thì giờ đây, người tiêu dùng đã bắt đầu có sự quan tâm nhiều hơn. Đây có thể coi vừa là khó khăn, thách thức, nhưng cũng là cơ hội với các doanh nghiệp chăn nuôi trong việc nâng tầm, phát triển các sản phẩm.

Từ góc độ doanh nghiệp trong chăn nuôi, tôi nghĩ lĩnh vực này còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Có thể thấy, ngành chăn nuôi phụ thuộc vào dịch bệnh, trong khi dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn. Chưa kể, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thì phụ thuộc vào chi phí vận chuyển, trong khi chi phí vận chuyển vẫn sẽ tăng. Thực phẩm đầu ra thì phụ thuộc vào thói quen tiêu thụ và túi tiền của người tiêu dùng, sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp trong ngành (doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm