Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với tổng doanh thu ước đạt 39.453 tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch năm 2022 và tăng hơn 16% so với năm 2021.
VICEM lãi trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) 1.532,3 tỷ đồng, bằng 89,8% kế hoạch năm 2022 và giảm 30,5%, tương đương giảm 672 tỷ đồng so với năm 2021. Tổng công ty nộp ngân sách Nhà nước 1.863 tỷ đồng, đạt 98,4% kế hoạch năm và giảm 14% so với năm ngoái.
Tổng sản phẩm tiêu thụ của VICEM trong năm vừa rồi đạt 27,46 triệu tấn, giảm 6,7% so với năm 2021, trong đó tiêu thụ xi măng trong nước đạt 21,34 triệu tấn, tăng 5,6%; Tiêu thụ clinker (bao gồm xuất khẩu) đạt 2,88 triệu tấn, giảm 45,6%. Các chỉ tiêu tiêu thụ nói trên đều chưa đạt kế hoạch năm.
Theo VICEM, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 của tổng công ty được xây dựng trên cơ sở kỳ vọng dịch COVID-19 được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới; tình hình nguồn cung và giá cả nguyên, nhiên vật liệu các tháng cuối năm 2022 ổn định, các dự án bất động sản sẽ khởi sắc, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Tuy nhiên, những khó khăn xuất phát từ xung đột Nga - Ukraine và thực tế thị trường diễn biến rất phức tạp, khó đoán định đã tác động rất tiêu cực đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành xi măng nói chung và VICEM nói riêng.
Nguồn cung than cho sản xuất xi măng thiếu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và tăng giá đột biến. Các lò nung của VICEM được thiết kế với nguồn than sử dụng là loại có nhiệt trị cao (tương đương cám 3 có nhiệt trị trên 7.000 Kcal/kg Clinker) nhưng thực tế, do thiếu nguồn than có nhiệt trị cao nên phải sử dụng các nguồn than có nhiệt trị thấp (cám 4, cám 5, thậm chí có loại than chỉ có nhiệt trị khoảng 3.200 Kcal/kg Clinker) dẫn đến dính, bết, tắc, giảm năng suất, tăng định mức tiêu hao. Riêng giá than tăng cao đã làm chi phí than trong giá thành sản xuất xi măng của VICEM năm 2022 tăng khoảng 4.000 tỷ đồng so với năm 2021.
VICEM đã thực hiện rà soát, điều chỉnh tăng giá bán xi măng phù hợp, bù đắp chi phí tăng do tăng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường không thuận lợi gồm nhu cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu đều giảm, sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt; giá xuất khẩu xi măng, clinker không tăng.
Các đơn vị thành viên VICEM phải bổ sung chiết khấu, khuyến mại để giữ vững sản lượng và thị phần. Do đó, mức tăng giá thu về chưa đủ bù đắp được ảnh hưởng của việc tăng chi phí đầu vào, làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của các đơn vị thành viên VICEM.
Sự biến động bất thường của nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2022, đặc biệt giảm sâu vào quý IV, là mùa tiêu thụ xi măng chủ yếu hàng năm đã tác động rất lớn đến kết quả công ty và gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành của VICEM. Mặc dù, đã chủ động xây dựng trước các kịch bản điều hành như dừng lò nung dài ngày để thực hiện sửa chữa lớn và tiếp tục dừng lò sau sửa chữa hoặc phải vận hành giảm năng suất để hạn chế đổ clinker ra bãi, song có lúc vẫn còn lúng túng do biến động quá lớn.
Các tác động về thị trường xuất khẩu, nhu cầu xi măng sụt giảm, ảnh hưởng của nguồn than có nhiệt trị thấp cùng những yếu tố khách quan, chủ quan khác đã đẩy CTCP Xi măng Hạ Long có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ nặng và là nhân tố chính đưa VICEM không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Hoạt động sáp nhập thương hiệu (Sông Thao vào Hải Phòng, Tam Điệp vào Bỉm Sơn, Hải Vân vào Hoàng Thạch) bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. Song vẫn còn nhiều vướng mắc, khó tháo gỡ, đặc biệt việc chuyển giao vốn của Công ty mẹ VICEM đầu tư tại các công ty con bị sáp nhập về công ty con nhận sáp nhập chưa thực hiện được.