Những ngày cận Tết Nguyên đán 2023, Phố ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh Niên (Quận 1, TPHCM) luôn nhộn nhịp vì có nhiều du khách và người dân thành phố đến tham quan, chụp hình, xin chữ.
Phố ông đồ nhộn nhịp vào những ngày cận Tết Quý Mão 2023
Năm nay, không chỉ có các ông đồ già, nơi này còn xuất hiện nhiều ông đồ rất trẻ cũng trổ tài viết thư pháp và vẽ tranh rất đẹp, thu hút nhiều người du khách đến thưởng thức.
“Mỗi khi Tết đến, Xuân về, tôi cũng ra Phố ông đồ một mình để tìm những phong bao lì xì thật đẹp rồi cầm đến xin chữ các ông đồ để mấy ngày Tết dùng để lì xì cho con cháu”, ông Nguyễn Cao An (ngụ quận Tân Bình) cho biết.
Người dân đến Phố ông đồ xin chữ viết lên bao lì xì
Không chỉ viết thư pháp, các ông đồ trẻ tại đây còn thể hiện khả năng vẽ tranh hết sức chuyên nghiệp lên quạt, trống,... thu hút rất nhiều người dân và du khách đến xin chữ.
Các bé thiếu nhi xin chữ ông đồ viết lên trống cầm tay tại Phố ông đồ
Một số ông đồ trẻ chia sẻ, viết thư pháp là bộ môn rất ít người theo đuổi vì có nhiều công đoạn khó, đòi hỏi người học phải có tính kiên trì, thường xuyên chăm chỉ luyện tập thì mới có thể viết thành thạo và đẹp.
“Thời gian đầu học viết thư pháp, hầu như tôi thấy mình như đứa trẻ lớp 1 vì phải học từ những chữ cái, nét bút rất đơn giản sau đó mới ghép lại thành một câu và thành một bài thơ hoàn chỉnh", ông đồ Hoàng Việt chia sẻ.
Ông đồ Hoàng Việt
Ông đồ Nguyễn Thanh Đạt (ngụ TPHCM) cho biết, mình theo đuổi thư pháp vì cảm thấy thích và lạ.
"Ban đầu, học cũng rất khó khăn vì có một chữ mà viết đi viết lại rất nhiều lần và còn tốn tiền giấy, mực. Tuy nhiên sau khoảng 1 năm chăm chỉ luyện tập thì tôi viết thành thạo như hôm nay", ông đồ Đạt bộc bạch.
Ông đồ trẻ Nguyễn Xuân Chân Thành
Ông đồ trẻ Nguyễn Xuân Chân Thành (28 tuổi, TPHCM) cho biết lý do mình đến với bộ môn thư pháp là vì mong muốn lan tỏa nét đẹp truyền thống này đến với nhiều người hơn.