Doanh nghiệp

Lợi nhuận PVOil tiếp tục đi lùi

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cho biết đã tranh thủ tốt cơ hội thị trường và có sự tăng trưởng đột biến về sản lượng kinh doanh kể từ trước đến nay. Cả năm, doanh nghiệp này bán được 4 triệu m3 xăng dầu các loại, vượt 27% kế hoạch năm và tăng 27% so với thực hiện năm 2021.

Năm nay, doanh thu hợp nhất lần đầu tiên vượt mốc 100.000 tỷ đồng, đạt gấp đôi kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 763 tỷ đồng, hoàn thành 153% kế hoạch.

Kết quả kinh doanh 2022 của PVOil thăng hoa trong giai đoạn nửa đầu năm, riêng quý II đạt đỉnh lợi nhuận kỷ lục 620 tỷ đồng trước thuế. Giá dầu thế giới liên tục tăng, đặc biệt kể từ chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, được xem là điều kiện thuận lợi đẩy lợi nhuận PVOil lên cao.

Sau giai đoạn đạt đỉnh, liên Bộ Công Thương - Tài chính liên tục điều chỉnh giảm giá xăng dầu. Từ mốc 32.870 đồng một lít cuối tháng 6, giá xăng RON 95-III giảm về 20.700 đồng trong lần điều chỉnh gần đây, hạ khoảng 37%. Giá dầu có biến động nhưng nhìn chung vẫn giảm gần 28%. Theo đó, lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng xuống mức thấp.

Ước tính riêng quý cuối năm, PVOil ghi nhận lợi nhuận trước thuế khoảng 147 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ 2021. Trước đó trong quý III, công ty này báo lỗ hơn 373 tỷ đồng, mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp này trong 10 quý gần đây.

Kết quả kinh doanh kém khả quan nửa cuối năm kéo lợi nhuận trước thuế của PVOil giảm gần 18% so với năm ngoái. Trong khi đó vào cuối tháng 6, công ty này có khoảng 998 tỷ đồng lãi trước thuế, đạt gần gấp đôi kế hoạch cả năm và cao hơn lợi nhuận của cả năm ngoái khoảng 7,5%.

Về tương lai, nhóm phân tích SSI Research nói trong báo cáo gần đây rằng những diễn biến bất ổn trên thị trường (thiếu xăng dầu trong quý III) có thể gây áp lực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp phân phối lớn như PVOil. Tuy vậy, đây cũng có thể là cơ hội để các công ty dẫn đầu thị trường nâng cao vị thế trong dài hạn. Luận điểm này dựa vào dự đoán nhiều cửa hàng xăng dầu sẽ chuyển sang mua hàng từ các đầu mối lớn với đầu vào ổn định. Theo Bộ Công Thương, lượng tồn kho tại một số nhà cung cấp chính như Petrolimex, PVOil, Thalexim vẫn được duy trì ở mức an toàn để đáp ứng nhu cầu trong nước.

SSI Research cũng cho rằng, việc tăng phí premium và chi phí vận chuyển trong việc cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu có thể giúp lợi nhuận của các nhà phân phối, trong đó có PVOil phục hồi. Ngoài ra, giá dầu thế giới gần đây có đà tăng cũng giúp các công ty này hưởng lợi về hàng tồn kho.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm