Tài chính

Forbes: CEO tiền số và ông trùm Bitcoin mất 116 tỷ USD trong năm 2022

Forbes: CEO tiền số và ông trùm Bitcoin mất 116 tỷ USD trong năm 2022 - Ảnh 1.

Tháng 1/2022, thời điểm Sam Bankman-Fried (SBF) đang thăng hoa, sàn giao dịch tiền số FTX có trụ sở tại Bahamas đã huy động được 400 triệu USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm lừng danh, đồng thời được định giá 32 tỷ USD. Vị cựu CEO này chỉ vài tuần sau đã góp mặt trong danh sách Tỷ phú Thế giới của Forbes, với danh xưng “người giàu thứ hai trong giới tiền số”.

Sau chưa đầy 1 năm, Bankman-Fried giờ đây lọt vào tầm ngắm của giới chức quản lý với một loạt cáo buộc hình sự âm mưu lừa đảo. Thời điểm bị bắt ở Bahamas, SBF chia sẻ tài khoản ngân hàng chỉ còn vỏn vẹn 100.000 USD và  “không chắc” sẽ trả phí bào chữa cho luật sư riêng như thế nào. Gary Wang, đồng sáng lập kiêm cựu Giám đốc công nghệ FTX cũng chứng kiến khối tài sản trị giá 5,9 tỷ USD bị xóa sổ.

Sự sụp đổ của FTX khép lại một năm ngành công nghiệp tiền số và chuỗi khối điêu đứng. Cú sốc kinh tế sau đại dịch, lạm phát cùng đà tăng cao của lãi suất đã rút một lượng lớn vốn đầu tư ra khỏi hệ sinh thái đầu cơ. Các công ty nổi tiếng một thời, từ TerraUSD, quỹ phòng hộ tiền số Three Arrows, Voyager Digital, đến Celsius hay BlockFi đều lần lượt khụy ngã, sau khi Bitcoin - thứ vốn được coi là “đầu tàu” của toàn ngành mất 65% giá trị. Trong khi đó, khoảng 2 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường đã chạy khỏi tài sản số để đổ về những nơi an toàn hơn.

Kết quả, 17 nhà đầu tư và CEO giàu có nhất nhì lĩnh vực tiền số mất tổng cộng khoảng 116 tỷ USD tài sản cá nhân kể từ tháng 3, theo ước tính của Forbes. 15 người chứng kiến giá trị khối tài sản ròng giảm hơn một nửa giá trị trong 9 tháng qua, trong khi 10 người chính thức rớt khỏi danh sách tỷ phú của Forbes.

“Hiện tại chúng ta đang ở một điểm ngoặt, nơi mọi người tạm dừng và nói, 'Được rồi, rất nhiều tài sản đã bị phá hủy chỉ trong vài tháng, vì vậy đã đến lúc chúng ta bắt đầu đầu tư một cách nghiêm túc hơn”, Matt Cohen, người sáng lập Ripple Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm cho biết.

Changpeng Zhao, Giám đốc điều hành của Binance, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất, có lẽ là người mất nhiều tiền nhất. 70% cổ phần của CZ trong Binance hiện được Forbes định giá ở mức 4,5 tỷ USD, giảm từ mức đỉnh 65 tỷ USD vào tháng 3.

CZ được là một trong những nhân tố khiến sàn FTX sụp đổ, sau khi thông báo Binance sẽ bán nốt các token FTT còn lại. Một cuộc tháo chạy đã diễn ra khi một loạt các nhà đầu tư đua nhau rút vốn khỏi sàn giao dịch tiền số. FTX tuyên bố phá sản vài ngày sau đó.

Forbes: CEO tiền số và ông trùm Bitcoin mất 116 tỷ USD trong năm 2022 - Ảnh 2.

Sự sụp đổ của FTX khép lại một năm ngành công nghiệp tiền số và chuỗi khối điêu đứng.

“Hiệu ứng thực sự xuất hiện sau sự kiện này là việc mọi người bắt đầu mất niềm tin vào các công ty tiền số. Vì vậy, mọi người bắt đầu rút tiền ồ ạt khỏi các sàn giao dịch”, Michael Novogratz, nhà sáng lập tỷ phú của Galaxy Digital Holdings, chia sẻ.

Zhao chiến thắng, song giờ đây phải đối mặt với hậu quả, trong đó có việc bị thu hồi hơn 2,1 tỷ USD từ việc bán cổ phần trong FTX cho Bankman-Fried vào mùa hè năm 2021. Người đàn ông này cũng phải đối mặt với sự hoài nghi ngày càng tăng đối với các sàn giao dịch tập trung, đặc biệt là Binance, sau khi giới chức châu Âu và Mỹ thực hiện một loạt các cuộc điều tra nhằm vào cáo buộc tạo điều kiện cho hoạt động rửa tiền và các tội phạm tài chính.

“Tôi không tin một doanh nghiệp có thể tồn tại, hoạt động theo cách vô định hình như vậy mà không phải chịu sự quản lý của bất kỳ ai, nhất là khi nó được điều hành bởi một cá nhân đại chúng”, Lisa Ellis, nhà phân tích cổ phiếu tại Moffett Nathanson, một bộ phận của SVB Securities, cho biết.

Đáp lại, CZ tuyên bố rằng Binance không có trách nhiệm pháp lý: “Chúng tôi là một tổ chức khá độc đáo, chúng tôi không có khoản vay từ bất kỳ tổ chức nào khác. Chúng tôi sẽ chứng minh tất cả những sự sợ hãi, không chắc chắn và nghi ngờ là hoàn toàn sai”. Ông cũng khẳng định giá trị tài sản ròng của mình “không phải là thước đo quan trọng nhất”.

Ngoài CZ, Barry Silbert, người đứng đầu Digital Currency Group (DCG), cũng đang thu hút sự chú ý trên thị trường tiền số. Một trong những tài sản chính của DCG, đơn vị cho vay tiền điện tử Genesis Global Capital, hiện đang ôm khoản nợ tối thiểu 1,8 tỷ USD.

Để duy trì hoạt động, Silbert có thể sẽ phải huy động vốn bên ngoài hoặc phá bỏ đế chế tiền điện tử DCG, bao gồm khoảng 200 khoản đầu tư vào các công ty tiền số. Forbes ước tính giá trị các khoản nợ chưa thanh toán của DCG thậm chí còn lớn hơn giá trị thị trường của công ty trong bối cảnh hiện tại.

Vì những lý do này, Forbes ước tính giá trị hiện tại của 40% cổ phần mà Silbert nắm giữ trong DCG là khoảng 0 USD. Các khoản đầu tư cá nhân của Silbert hiện cũng không thể được xác định.

Forbes: CEO tiền số và ông trùm Bitcoin mất 116 tỷ USD trong năm 2022 - Ảnh 3.

CZ đối mặt với sự hoài nghi ngày càng tăng đối với các sàn giao dịch tập trung, đặc biệt là Binance, sau khi giới chức châu Âu và Mỹ thực hiện một loạt các cuộc điều tra.

“Họ gặp vấn đề về khả năng thanh toán tại Genesis. Những tổn thất không hề biến mất,” Ram Ahluwalia, Giám đốc điều hành của Lumida Wealth Management cho biết. “Nếu DCG không huy động vốn cổ phần mới, nó sẽ bị coi là một doanh nghiệp zombie”.

Đối với Brian Armstrong, CEO sàn giao dịch Coinbase, sự sụp đổ của FTX là cơ hội ngàn vàng. Vào ngày 8/11, thời điểm Binance tuyên bố dự kiến tiếp quản sàn FTX, Armstrong lên tiếng chỉ trích CZ, đồng thời thông báo về tầm nhìn của mình: “Coinbase và Binance đang theo những cách tiếp cận khác nhau. Chúng tôi đang cố gắng tuân theo một cách tiếp cận được quản lý và đáng tin cậy. Đó là con đường khó khăn, nhưng tôi nghĩ đó là chiến lược dài hạn đúng đắn”, Armstrong chia sẻ.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư dường như không bận tâm đến điều này. Bằng chứng là giá cổ phiếu Coinbase đã giảm 64% kể từ tháng 8 và hơn 95% so với đợt IPO trị giá 100 tỷ USD vào tháng 4/2021, theo Forbes.

“Sự sụp đổ của FTX “làm tổn thương nhận thức của người tiêu dùng về tiền số. Chúng ta đã từng thấy điều này trong vụ sụp đổ của Lehman Brothers và Bernie Madoff vào năm 2008. Sự khác biệt là trong Web3, chúng tôi thấy hoạt động của nhà phát triển tăng tốc ngay cả trong những thời điểm hỗn loạn nhất”, một chuyên gia nhận định.

Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.

Theo: Forbes

Cùng chuyên mục

Đọc thêm