ChatGPT, xuất hiện đầu tháng 12, nhanh chóng thu hút chú ý và được giới công nghệ gọi là "siêu AI" bởi khả năng trả lời câu hỏi, viết văn, dựng kịch bản... theo ý người dùng. Trước ChatGPT, một số AI khác GPT-3 và Dall-E 2 tạo ấn tượng và nhận được sự đánh giá cao từ cả người dùng lẫn các chuyên gia.
Các AI kể trên đều là sản phẩm của OpenAI - công ty đã đạt được một số thành tựu lớn trong ba năm gần đây dưới sự điều hành của CEO trẻ tuổi Sam Altman.
Bỏ học để khởi nghiệp
Altman sinh ra và lớn lên ở St. Louis, Missouri, có gốc là người Do Thái. Năm lên 8 tuổi, ông được mẹ, là một bác sĩ da liễu, tặng chiếc máy tính đầu tiên và nhanh chóng yêu thích nó. Đây cũng là món quà giúp ông định hình tương lai của mình sau này.
Sau khi tốt nghiệp trường John Burroughs ở địa phương, Altman tiếp tục theo học ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford nhưng bỏ học vào năm 2005. Năm 2017, ông nhận bằng danh dự của Đại học Waterloo.
Trở lại năm 2005, sau khi bỏ học Đại học Stanford, Altman đồng sáng lập và trở thành CEO của Loopt - ứng dụng di động và mạng xã hội dựa trên vị trí. Loopt từng huy động được 30 triệu USD, nhưng phải đóng cửa năm 2012 vì không thu hút được sự chú ý, sau đó bị thâu tóm với giá 43,4 triệu USD.
Altman bắt đầu làm đối tác bán thời gian tại vườn ươm khởi nghiệp nổi tiếng Y Combinato vào năm 2011 và gia nhập một năm sau đó. Tháng 2/2014, ông được người đồng sáng lập Paul Graham bổ nhiệm làm chủ tịch công ty ở tuổi 29. Hai năm sau, ông trở thành Chủ tịch YC Group, gồm Y Combinator và các đơn vị khác, đặt mục tiêu tài trợ 1.000 startup mỗi năm.
Đến 2019, Altman từ chức để tập trung vào OpenAI. Từ đầu 2020, ông cho biết không còn đóng vai trò nào ở YC nữa.
Tham vọng AI
OpenAI bắt đầu như một tổ chức phi lợi nhuận vào năm 2015 với sự tài trợ từ Altman khi còn ở Y Combinator. Ông cũng đứng trong hàng ngũ thành lập công ty, cùng với CEO Tesla Elon Musk, nhà đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và nhiều thành viên khác. Công ty đặt trụ sở ở quận Mission, San Francisco, nhanh chóng trở thành một đối trọng về nghiên cứu AI trước các công ty công nghệ lớn khác, như Google.
Thay vì theo đuổi lợi nhuận doanh nghiệp, OpenAI cam kết thúc đẩy công nghệ vì lợi ích của nhân loại. Điều lệ thành lập có điều khoản sẽ từ bỏ cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo nói chung nếu một đối thủ cạnh tranh đạt được một thành tựu cụ thể trước.
Tuy nhiên, chiến lược đó thay đổi kể từ khi Altman nắm quyền điều hành. Ngay sau khi trở thành CEO cuối 2019, ông đã nhận được một tỷ USD tài trợ khi bay đến Seattle trình diễn mô hình AI mới nhất của mình cho CEO Microsoft Satya Nadella.
Thỏa thuận với Microsoft mang lại cho OpenAI nhiều thứ, nhất là tài nguyên cần thiết để đào tạo và cải thiện thuật toán AI - yếu tố chính dẫn đến một loạt đột phá về sau. Ngược lại, thỏa thuận cũng đem lại cho Microsoft chỗ đứng chiến lược trong cuộc chạy đua vũ trang để tận dụng những tiến bộ trong AI, cũng như được tích hợp các AI tiên tiến nhất vào các sản phẩm khác của mình.
Kể từ khi Altman điều hành, OpenAI đạt nhiều thành tựu, đặc biệt là trong năm 2022. Giữa năm nay, AI Dall-E 2 cho phép người dùng tạo tác phẩm nghệ thuật chỉ bằng chuỗi văn bản, trong khi ChatGPT gần đây được mô tả là AI siêu thông minh, đa tài, có thể "trả lời mọi thứ như người thật". Một số đã đặt câu hỏi liên quan đến lập trình và khẳng định phản hồi của ChatGPT "hoàn hảo". Nó thậm chí có thể viết kịch bản phim, kết hợp nhiều diễn viên từ những loạt phim khác nhau. Nhưng ChatGPT cũng xây dựng những bài luận học thuật cơ bản, đặt ra thách thức cho các học viện và trường đại học trong tương lai.
Cách tiếp cận mới của Altman giúp những nhà đầu tư ban đầu vào OpenAI nhận lợi nhuận gấp 100 lần so với khoản đóng góp ban đầu, nhưng khiến tôn chỉ phi lợi nhuận bị phá vỡ. CEO này đang đối mặt với những hoài nghi khi bị cho là đi ngược với mục đích làm cho nghiên cứu trở nên minh bạch và tránh làm giàu cho các cổ đông.
OpenAI đang đàm phán về việc bán cổ phiếu thuộc sở hữu của nhân viên. Trong một đề nghị đấu thầu trước đó, OpenAI được định giá khoảng 14 tỷ USD, theo WSJ.
Altman gần đây cũng không giấu ý định kinh doanh đối với OpenAI, thậm chí khẳng định đang sớm định hình chiến lược kiếm tiền từ những gì đã nghiên cứu được. Theo một số nguồn tin nội bộ, đến nay OpenAI đã tạo ra doanh thu hàng chục triệu USD, chủ yếu từ việc bán các đoạn code cho các nhà phát triển khác. Nguồn tin này cũng nói Altman kỳ vọng công ty sẽ sớm đạt doanh thu hàng năm lên tới một tỷ USD, chủ yếu từ việc tính phí người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Dù các sản phẩm như ChatGPT đang được đánh giá cao, Altman thừa nhận kết quả đầu ra của chương trình thực tế chứa nhiều lỗi. "Nó biết rất nhiều, nhưng điều nguy hiểm là nó tự tin và sai một phần đáng kể", ông viết trên Twitter đầu tháng này.
Đạt được nhiều thành tựu công việc, Altman ít nói về cuộc sống cá nhân. Ông là người đồng tính nam và đã thừa nhận điều này từ khi còn rất trẻ. Ngoài ra, ông cũng là người ăn chay thuần từ nhỏ.
(theo WSJ)