Doanh nghiệp

Lợi nhuận Novaland giảm 200 tỷ sau kiểm toán

Trong báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, Novaland (NVL) ghi nhận 485,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 198,9 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Số liệu thay đổi đến từ biến động về lợi nhuận trong công ty liên kết và lợi nhuận gộp

Từ mức dương gần 5 tỷ đồng ở báo cáo trước kiểm toán, lợi nhuận trong công ty liên kết của Novaland bị hạ về âm 151,5 tỷ đồng. Ngoài ra, giá vốn bán hàng tăng khiến lợi nhuận gộp giảm hơn 50 tỷ đồng.

Theo công ty kiểm toán PwC (đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính Novaland), việc phát sinh chênh lệch lợi nhuận chủ yếu do trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại công ty liên kết. Ban lãnh đạo NVL cho biết động thái này được thực hiện "trên quan điểm thận trọng" và khoản trích lập dự phòng sẽ được hoàn nhập khi dự án tiếp tục triển khai.

Như vậy với số liệu mới, lợi nhuận Novaland giảm 78% so với năm 2022. Nguyên nhân là hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng từ tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản. So với kế hoạch cả năm, công ty chỉ hoàn thành một nửa chỉ tiêu doanh thu do hoạt động chuyển nhượng bất động sản sụt giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cao hơn mục tiêu đề ra gấp 2,3 lần chủ yếu đến từ việc tái cơ cấu nợ, tối ưu chi phí và từ các hoạt động tài chính trong giai đoạn tái cấu trúc.

Năm trước, công ty này tiết giảm được 22% chi phí tài chính so với cùng kỳ 2022, tương đương hơn 900 tỷ đồng. Việc này đến từ hạ chi phí lãi vay do giảm dư nợ, giảm chi phí phát hành trái phiếu và chi phí lãi cho hoạt động hợp tác đầu tư. Ngoài ra, doanh thu chưa ghi nhận của công ty đạt gần 240.000 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2023. Doanh thu trên đến từ các dự án đã bàn giao, đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý và các dự án Novaland đang là chủ đầu tư và đang hợp tác phát triển.

Trong báo cáo tài chính kiểm toán, PwC không có ý kiến ngoại trừ nhưng vẫn lưu ý rằng khả năng hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay, trái phiếu sắp đáo hạn và thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.

Về lưu ý này, ban lãnh đạo NVL cho biết tiếp tục nhiều giải pháp để khắc phục. Công ty đang triển khai nhiều dự án trọng điểm; tái cấu trúc khoản nợ vay và trái phiếu; gia hạn nợ, hoán đổi nợ hoặc khoản phải trả với sản phẩm bất động sản; làm việc với ngân hàng để huy động vốn tín dụng triển khai xây dựng dự án. Ngoài ra, Novaland cũng thực hiện giải phóng tiền gửi đang bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng, tiếp nhận hỗ trợ tài chính từ cổ đông lớn.

Phân khu giải trí của một dự án nghỉ dưỡng thuộc Novaland tại Phan Thiết (Bình Thuận), tháng 2/2024. Ảnh: NVL

Phân khu giải trí của một dự án nghỉ dưỡng thuộc Novaland tại Phan Thiết (Bình Thuận), tháng 2/2024. Ảnh: NVL

Trong năm trước, Novaland và hệ sinh thái Novagroup tập trung vào tái cấu trúc nợ. Họ tích cực đàm phán để gia hạn, thay đổi lãi suất hoặc hoán đổi nợ sang tài sản khác, cũng như tìm cách huy động vốn để hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Đến nay, công ty đã cơ bản hoàn thành tái cấu trúc các khoản nợ vay và nợ trái phiếu, tập trung xây dựng các dự án trọng điểm gồm bộ ba Aqua City, Novaworld Phan Thiết, Novaworld Hồ Tràm và các dự án tại trung tâm TP HCM. Họ cũng bàn giao nhà theo từng giai đoạn cho khách hàng với sự đồng hành của các đối tác tài chính, đồng thời linh hoạt điều chỉnh kế hoạch triển khai các dự án mới cho phù hợp với tình hình thực tế. Song song đó, công ty cũng phối hợp với các địa phương tháo gỡ, hoàn thiện pháp lý các dự án trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm