Doanh nghiệp

Loạt giải pháp phát triển đô thị bền vững của Australia

Australia là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về các quy định quản lý môi trường xây dựng. Với các tiêu chuẩn bao gồm Hệ thống Xếp hạng Môi trường Xây dựng Quốc gia (NABERS), Green Star và Tiêu chuẩn Bền vững Bất động sản Toàn cầu (GRESB), quốc gia này đang thúc đẩy các hoạt động xây dựng bền vững một cách hiệu quả.

Theo dữ liệu từ 428 dự án được Hội đồng Công trình Xanh Australia chứng nhận, việc thực hành áp dụng các tiêu chuẩn và quy định đã giúp giảm 62% lượng khí thải nhà kính, tiêu thụ điện ít hơn 66% và sử dụng lượng nước uống ít hơn 51% so với mức trung bình.

Tòa nhà xanh với thiết kế vườn thẳng đứng tại Melbourne. Ảnh: Austrade

Tòa nhà xanh với thiết kế vườn thẳng đứng tại Melbourne. Ảnh: Austrade

Bên cạnh đó là tầm nhìn chiến lược, sự đầu tư mạnh tay của Chính phủ để thực hiện các giải pháp về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Thông qua Chương trình Hợp tác và Phân khu Khu vực và Đô thị, Chính phủ Australia đang cung cấp khoản tài trợ trị giá 550 triệu AUD để hỗ trợ thực hiện các dự án nhằm cải thiện điều kiện sống và khả năng hòa nhập tại các khu vực đô thị, nông thôn và vùng sâu vùng xa của Australia.

Các quy định và hỗ trợ này từ chính phủ đang thúc đẩy năng lực và kinh nghiệm của các doanh nghiệp. Từ quy hoạch phát triển bền vững đến các giải pháp giao thông thế hệ mới, cơ sở hạ tầng thông minh đến tối ưu hóa không gian - các doanh nghiệp Australia có các giải pháp giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng đến các thành phố xanh và bền vững.

Công trình xanh toàn diện

Với cách tiếp cận chặt chẽ và có tổ chức trong việc đo lường, đánh giá và thiết lập tiêu chuẩn cho thiết kế và hiệu suất của tòa nhà; Australia đã phát triển những năng lực quan trọng và toàn diện trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng bền vững.

Về quy hoạch và thiết kế, đơn cử có công ty Dsquared tư vấn về môi trường sinh thái bền vững (ESD) từ giai đoạn đầu tiên của quy hoạch tổng thể dự án, đến thiết kế, xây dựng và vận hành công trình. Các công ty kiến trúc Australia nổi tiếng về thiết kế sáng tạo ưu tiên trải nghiệm không gian có thể kể đến LAB, Populous và Woods Bagot.

Việc lựa chọn và quản lý vật liệu trong xây dựng cũng rất quan trọng để đảm bảo tính bền vững của cơ sở hạ tầng. Các doanh nghiệp sắt thép của Australia đang hợp tác với CSIRO - cơ quan của Chính phủ Australia chịu trách nhiệm nghiên cứu khoa học, nhằm tạo ra các quy trình bền vững cho sản xuất vật liệu xây dựng. Hệ sinh thái này đang mang đến những đổi mới tích cực về vật liệu xanh, bao gồm sản xuất xi măng tái chế từ chất thải xây dựng và loại bỏ than khỏi quy trình sản xuất kim loại.

Về khả năng lập mô hình và phân tích để tối ưu hóa hạ tầng đô thị, có thể kể đến Kinesis với nền tảng tập hợp các bộ dữ liệu đa dạng để thúc đẩy các quyết định giúp thành phố trở nên bền vững, công bằng và hiệu quả hơn. Climate Risk đã phát triển CRE Paragon được sử dụng để phân tích khí hậu và rủi ro thời tiết cực đoan trên tối đa 14,7 triệu tài sản trong một lần chạy.

Quản lý nước - một khía cạnh quan trọng khác của phát triển hạ tầng bền vững cũng đang được giải quyết bởi trung tâm Water Sensitive Cities Australia với mục tiêu chuyển đổi nghiên cứu thành các công cụ và hướng dẫn thực tiễn cho các hoạt động quản lý nước. Do Australia là một lục địa với địa hình chủ yếu là sa mạc, do đó việc bảo tồn nước rất quan trọng. Tập đoàn Altogether đã tái chế nước mưa và nước thải để giảm áp lực lên nguồn cung cấp nước uống.

Các doanh nghiệp Australia cũng có nhiều thành công trên trường quốc tế với các công nghệ xử lý nước tiên tiến. Alga Enviro đã phát triển Diatomix để thúc đẩy sự phát triển của tảo cát, giúp kiểm soát và ngăn chặn sự nở hoa của tảo độc gây cặn nổi, mùi hôi và làm chết các hồ, đập và hồ chứa nước. Calix đã thương mại hóa hệ thống magie hydroxit ACTI-Mag để quản lý hydro sunfua, mùi, độ pH và độ kiềm, nhu cầu oxy sinh hóa (BOD/COD), phốt phát và chất béo, dầu, mỡ (FOG) trong nước thải.

Dự án Maroochydore City Centre 53 ha do công ty Walker Corp. hợp tác với Hội đồng thành phố Sunshine Coast và SunCentral Maroochydore phát triển, khu CBD đầu tiên triển khai hệ thống thu gom rác thải tự động tại Australia. Ảnh: WalkerCorp

Dự án Maroochydore City Centre 53 ha do công ty Walker Corp. hợp tác với Hội đồng thành phố Sunshine Coast và SunCentral Maroochydore phát triển, khu CBD đầu tiên triển khai hệ thống thu gom rác thải tự động tại Australia. Ảnh: WalkerCorp

Quản lý chất thải rắn đô thị là điều cần thiết để xây dựng một thành phố bền vững. Khu vực trung tâm mới của Sunshine Coast ở Maroochydore đã được lắp đặt một hệ thống thu gom rác thải tự động. Rác thải và rác tái chế từ các tòa nhà và thùng rác trên đường phố sẽ di chuyển bằng áp lực với tốc độ lên tới 70 km/h qua mạng lưới đường ống ngầm dài 6,5 km đến trạm thu gom.
Sự đổi mới của Australia đã mang lại những công nghệ và dịch vụ giải quyết các khía cạnh cụ thể của hạ tầng đô thị bền vững; ghi danh ba thành phố Sydney, Perth và Melbourne vào top 5 các thành phố bền vững hàng đầu châu Á.

Công nghệ hiện đại

Các thành phố như Adelaide, Townsville và Sunshine Coast đã nhiều lần được Diễn đàn Cộng đồng Thông minh vinh danh trong số 21 thành phố thông minh hàng đầu thế giới.

Các công nghệ do Australia phát triển để cải thiện cuộc sống đô thị bao gồm Floodmapp cung cấp bản đồ dự báo lũ lụt theo thời gian thực để cho phép phản ứng nhanh hơn khi có sự kiện thời tiết; NoiseNet, công nghệ nhận dạng tiếng ồn được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo để xác định nguồn gốc của tiếng ồn không mong muốn. Envirosuite cung cấp nền tảng thông tin môi trường thông qua việc thu thập dữ liệu cảm biến và chuyển đổi nó thành giao diện phần mềm để hỗ trợ các quyết định về chất lượng không khí và nước, tiếng ồn, mùi, bụi và độ rung.

Công nghệ mô phỏng của Floodmapp cung cấp bản đồ lũ lụt cho các giai đoạn dự báo, ứng phó theo thực trạng và khôi phục sau thiên tai. Ảnh: Floodmapp

Công nghệ mô phỏng của Floodmapp cung cấp bản đồ lũ lụt cho các giai đoạn dự báo, ứng phó theo thực trạng và khôi phục sau thiên tai. Ảnh: Floodmapp

Các ứng dụng CNTT đô thị khác bao gồm hệ thống đỗ xe không cần vé Ybern và Solar Bins có cảm biến để cho biết khi nào thùng rác đầy, tối ưu hóa tần suất thùng rác cần được dọn sạch. Ene-hub cung cấp một loạt hệ thống thông tin liên lạc thành phố thông minh và Green Frog Systems cung cấp hệ thống chiếu sáng công cộng chạy bằng năng lượng mặt trời.

Có rất nhiều sản phẩm CNTT của Australia giúp các tòa nhà và tài sản được xây dựng và bảo trì bền vững hơn, bao gồm các công cụ để quản lý hoạt động và hiệu suất của tòa nhà như Optergy và Willow. Một ví dụ khác là Utillix AR, một nền tảng quản lý dự án và lập bản đồ cơ sở hạ tầng, cung cấp cho người dùng tính năng thực tế ảo tăng cường về môi trường trực tiếp của họ, hiển thị tài sản ở vị trí thực tế của họ với các thuộc tính khác nhau.

Giao thông vận tải

Giao thông vận tải chiếm hơn 24% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu chủ yếu do tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Các giải pháp thông minh để điện khí hóa phương tiện giao thông và sử dụng nó hiệu quả hơn có thể góp phần đáng kể vào việc giảm lượng khí thải carbon.

Ngoài các giải pháp về xe điện từ quy mô nhỏ đến quy mô xe tải hạng nặng được phát triển bởi Zoomo, VMoto, SEA Electric và Janus Electric; nhà cải tiến người Australia - Tritium cũng đã phát triển một trong những công nghệ sạc nhanh thành công nhất trên toàn cầu, với doanh số bán hàng tại hơn 40 quốc gia. Các trạm sạc nhanh trên khắp Australia đang được lắp đặt bởi Evie, Chargefox và các chủ sở hữu trạm dịch vụ cá nhân. Phần mềm quản lý trạm sạc được cung cấp bởi Everty.

Janus Electric phát triển hệ thống hoán đổi pin cho xe tải hạng nặng và phương tiện vận tải đường bộ. Ảnh: Janus Electric

Janus Electric phát triển hệ thống hoán đổi pin cho xe tải hạng nặng và phương tiện vận tải đường bộ. Ảnh: Janus Electric

Một khái niệm sáng tạo khác về giao thông thông minh đang được Tập đoàn Fortescue Metals triển khai đó là "tàu hỏa vô cực". Đoàn tàu tải hàng khi xuống dốc, sạc và tích trữ đủ pin để đoàn tàu trống có thể leo lên đồi trở lại.

Theo Liên Hợp Quốc, các thành phố chiếm khoảng 2% bề mặt thế giới nhưng lại tiêu thụ đến 78% năng lượng và tạo ra hơn 60% lượng khí thải nhà kính. Việc xây dựng và vận hành các tòa nhà chiếm 38% tổng lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng, và lượng khí thải trực tiếp cần giảm một nửa vào năm 2030 để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trước thực trạng đó, phát triển đô thị bền vững trở thành xu thế của nhiều quốc gia nhằm tạo ra đô thị đáng sống, đô thị cân bằng với thiên nhiên, giảm dấu chân sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu. Australia không nằm ngoài hành trình này và đã khẳng định năng lực của mình qua các phát kiến, kết quả khả thi và các định hướng tập trung trong tương lai được công bố trong Bản cáo bạch nền kinh tế xanh tại COP26 vừa qua.

Về phía Australia, bà Rebecca Ball - đại diện chính phủ Australia cho biết, Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tư vấn và kết nối với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp Australia trong lĩnh vực phát triển nền kinh tế xanh, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị bền vững toàn cầu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm