Trước việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, loạt đại gia BĐS đang lên kế hoạch huy động vốn với giá trị hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng qua sàn chứng khoán để tái cơ cấu nợ, mua bán hoặc đầu tư dự án chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới.
Trong đó, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) do đại gia Nguyễn Văn Đạt giữ vị trí Chủ tịch vừa hoàn tất đợt phát hành thành công 134,3 triệu cổ phiếu cho 23.945 nhà đầu tư, thu về 1.343 tỷ đồng, dự kiến để thực hiện các dự án bất động sản của công ty như Phân khu 2 và 9 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (Bình Định), dự án Bắc Hà Thanh (Bình Định), 2 dự án nhà Thuận An 1 và 2 (Bình Dương).
Cùng với việc phát hành thành công cổ phiếu cho các cổ đông, doanh nghiệp của đại gia Nguyễn Văn Đạt cũng đã công bố quyết định chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại Công ty CP Đầu tư Bất động sản BIDICI. Theo đó, Phát Đạt sẽ bán hơn 111,7 triệu cổ phần tại BIDICI, chiếm 49% vốn điều lệ, với giá trị theo mệnh giá là hơn 1.117 tỷ đồng. Phát Đạt cho biết, giá chuyển nhượng sẽ không thấp hơn 130% mệnh giá, tức là Công ty có thể thu về ít nhất 1.450 tỷ đồng từ thương vụ này.
Với tiềm năng thu về ít nhất 1.450 tỷ đồng từ thương vụ này, Phát Đạt có thể tăng cường tài chính để triển khai các dự án trọng điểm trong năm 2024, đồng thời cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh và tăng trưởng bền vững.
Trong bối cảnh thị trường BĐS có dấu hiệu phục hồi, các doanh nghiệp BĐS đang tích cực huy động nguồn vốn - Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, Phát Đạt còn nhiều phương án phát hành khác với tổng cộng 313,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 10.524 tỷ đồng. Đó là phát hành tối thiểu 14,6 triệu cổ phiếu ESOP 2024 giá 12.000 đồng/cp, thưởng 131 triệu cổ phiếu cho cổ đông tăng vốn từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và 34 triệu đơn vị hoán đổi nợ.
Tập đoàn Đất Xanh cũng lên kế hoạch thực hiện 2 đợt phát hành cổ phiếu để huy động vốn trong năm 2024. Theo đó, doanh nghiệp của đại gia Lương Trí Thìn có kế hoạch chào bán hơn 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá tối thiểu 12.000 đồng/đơn vị và 93,5 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá tối thiểu 18.600 đồng/đơn vị. Tổng số tiền thu về ít nhất khoảng 3.541 tỷ đồng, công ty dùng để góp vốn và tăng tỉ lệ sở hữu tại công ty con; thanh toán nợ trái phiếu, nợ công ty con và bổ sung vốn lưu động.
Một doanh nghiệp khác cũng lên kế hoạch huy động nghìn tỷ đồng từ cổ phiếu là Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (NRC). Công ty này muốn huy động 1.000 tỷ đồng từ chào bán riêng lẻ, dự kiến dùng 520 tỷ đồng để thanh toán tiền nợ thuế, nợ trái phiếu và nợ tại BIDV; mua một phần dự án tại Khu dân cư Đại Nam (Bình Phước) và Khu dân cư tiểu thủ công nghiệp thương mại dịch vụ Hàm Thắng - Hàm Liêm (Bình Thuận). Còn lại 105 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Trong khi đó, Hội đồng quản trị Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã ban hành nghị quyết thông qua việc chuyển nhượng dự án nhà máy thủy điện Ia Grai 2 và nhà máy thủy điện Ayun Trung nhằm tái cơ cấu đầu tư. Giá trị chuyển nhượng nhà máy thủy điện Ia Grai 2 khoảng 235 tỷ đồng. Điều kiện đi kèm là bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm sử dụng nguyên trạng lực lượng lao động của nhà máy tại thời điểm chuyển nhượng và đảm bảo quy định quyền lợi của người lao động.
Nhà máy thủy điện Ayun Trung nằm tại xã Kon Thụp, huyện Mang Yang và xã Trang (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai). Dự án có công suất lắp máy đạt 13 MW. Giá trị chuyển nhượng dự kiến 380 tỷ đồng.
Ngoài những cái tên kể trên, hai đại gia lớn trong lĩnh vực BĐS là Tập đoàn Novaland (NVL) và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - BCM) có kế hoạch huy động hàng chục nghìn tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Theo đó, Tập đoàn Novaland (NVL) do tỷ phú Bùi Thành Nhơn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị có kế hoạch chào bán cổ phiếu với giá 10.000 đồng/đơn vị nhằm huy động hơn 11.700 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý II đến quý IV năm nay. Với số tiền huy động được, tập đoàn này dự kiến dùng gần 10.600 tỷ đồng để góp vốn vào công ty con; hơn 855 tỷ đồng để tái cơ cấu nợ và thanh toán một phần các khoản phải trả; hơn 140 tỷ đồng để thanh toán chi phí lương cho cán bộ nhân viên; gần 139 tỷ đồng để thanh toán chi phí vận hành chung.
Trong khi đó, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (BCM) đã thông qua việc phát hành 300 triệu cổ phiếu theo hình thức đấu giá, thu về tối thiểu 15.000 tỷ đồng. Becamex IDC huy động vốn để đầu tư dự án do tổng công ty thực hiện, góp vốn vào các đơn vị thành viên và tái cấu trúc tài chính. Cụ thể, công ty sẽ dùng 2.800 tỷ đồng để đầu tư khu công nghiệp Cây Trường, 3.500 tỷ đồng cho dự án khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng; 3.634 tỷ đồng góp vốn vào VSIP, Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Becamex Bình Phước, Becamex Bình Định…; và 5.000 tỷ đồng để tái cấu trúc tài chính.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MB (MBS), huy động vốn trên sàn chứng khoán sẽ là một trong những hoạt động nổi bật trong nửa cuối năm nay của các công ty bất động sản nhằm tái cấu trúc nợ vay, đáp ứng các nghĩa vụ tài chính về đất với nhà nước và chi phí phát triển dự án tăng cao. Tuy nhiên, đơn vị này cũng nhìn nhận sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản còn yếu và chưa tiếp cận được nguồn vốn, chi phí phát triển dự án ngày càng gia tăng.