Tài chính

Lộ diện thêm nhiều "ông lớn" là cổ đông ngân hàng

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) công bố danh sách 20 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, nắm tổng cộng 80,6% vốn. 13 tổ chức gồm Aozora Bank nắm hơn 15%, còn lại là Tổng Công ty Bến Thành, CTCP Đầu tư Bình An House, CTCP Greenwave Capital sở hữu 55,7% vốn. Phần còn lại 24,8% thuộc về 7 cá nhân, trong đó Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn cùng vợ và 3 con gái giữ 18,6%.

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) có 18 cổ đông nắm hơn 72% vốn điều lệ. Commonwealth Bank là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 19,8%. 17 cổ đông còn lại bao gồm 13 cá nhân và 4 doanh nghiệp trong nước, sở hữu tổng cộng 53%. Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ và người có liên quan nắm tổng cộng hơn 20%.

Tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), 21 cổ đông (16 cá nhân, 5 tổ chức) sở hữu 71,3% vốn điều lệ. Người liên quan của ông Võ Đức Thắng (“bầu” Thắng), cựu Chủ tịch HĐQT KienlongBank vẫn nắm lượng lớn cổ phần. Ngoài ra, ngân hàng này còn ghi nhận sự hiện diện ở nhóm Sunshine Group. Các ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)… các cổ đông cũng nắm giữ từ 1% vốn điều lệ.

Lộ diện thêm nhiều 'ông lớn' là cổ đông ngân hàng- Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng đã công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Ảnh: Như Ý.

Trong nhóm Big4 (4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối) đã có Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn. Vietcombank ghi nhận cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank; LTD đang nắm 15% vốn, Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) nắm 1,67% vốn. Còn VietinBank có 3 cổ đông tổ chức lần lượt là MUFG Bank (nắm 19,7% vốn), Công đoàn VietinBank (nắm 1,15% vốn), Bảo hiểm Prudential (nắm 1,07%).

Trao đổi PV Tiền Phong , chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 về công khai danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ sẽ tạo điều kiện cho hệ thống giám sát đại chúng, bao gồm báo chí, nhà đầu tư cá nhân, quỹ, giới phân tích… có cơ hội tiếp cận thông tin đầy đủ hơn về sở hữu tại các ngân hàng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bề nổi. Để đưa sở hữu chéo ngân hàng ra ánh sáng, chỉ có Nhà nước bằng hệ thống quản lý, công cụ giám sát mới có thể thấy rõ những gì bên trong.

Ông Hiển lưu ý, mối quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp bất động sản từng để lại nhiều bài học xảy ra trong quá khứ. Nhắc lại giai đoạn 2010 - 2012, vị chuyên gia chỉ ra vấn đề với những ngân hàng 0 đồng, nhiều ngân hàng phải tái cấu trúc. Sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản đã được nhận diện rõ. Sau giai đoạn đó, dù có hệ thống giám sát chặt chẽ hơn nhưng thị trường bất động sản dần hồi phục, mối quan hệ ngân hàng - bất động sản lại rõ nét hơn, xuất hiện tình trạng “sân sau”.

“Điều này tạo ra sự nguy hiểm nhất định cho hệ thống, tuy nhiên, Nhà nước đã có kinh nghiệm xử lý, hoàn thiện thể chế, đưa các ngân hàng đại chúng thực sự trở thành doanh nghiệp đại chúng, giám sát, quản lý tránh thao túng. Quy định pháp luật hiện tại hoàn toàn đủ cho cơ quan quản lý giám sát, như việc bổ sung quy định giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông, giới hạn cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu…”, ông Hiển nói.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, yêu cầu công khai, minh bạch đối với cổ đông sở hữu từ 1% trở lên là cần thiết để phòng ngừa chuyện đứng tên hộ, đầu tư núp bóng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thậm chí là thao túng ngân hàng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm