Sử dụng dữ liệu từ tàu đổ bộ InSight của NASA, các nhà nghiên cứu từ Trường đại học California San Diego và Berkeley cho biết có bằng chứng cho thấy dưới lòng đất sao Hỏa có thể chứa lượng nước đủ bao phủ toàn bộ bề mặt hành tinh này với độ sâu 1 - 2km.
Tuy nhiên họ cũng cảnh báo việc tìm ra nước không hề đơn giản. Họ tin rằng chúng nằm trong những tảng đá hình thành nên lớp vỏ giữa của hành tinh và cách bề mặt khoảng 11,5 - 20km.
Theo CNN, mặc dù không thể tiếp cận được nước, tác giả nghiên cứu Vashan Wright cho biết phát hiện này đã tiết lộ những chi tiết mới về lịch sử địa chất của sao Hỏa, và gợi ý một địa điểm mới để tìm kiếm sự sống trên hành tinh Đỏ một khi con người có thể tiếp cận được nguồn nước.
"Hiểu được chu trình nước của sao Hỏa là rất quan trọng để hiểu được sự tiến hóa của khí hậu, bề mặt và bên trong nó. Điểm khởi đầu hữu ích là xác định nước ở đâu và có bao nhiêu", ông nói.
Các nhà khoa học từ lâu đã cố gắng tìm kiếm nước trên sao Hỏa và có giả thuyết cho rằng nó đã thoát ra ngoài vũ trụ. Nhưng "lớp vỏ của sao Hỏa không nhất thiết phải mất phần lớn nước qua thoát khí quyển (sự mất khí quyển của hành tinh ra ngoài không gian - NV)", theo các tác giả nghiên cứu.
Thay vào đó, nước đã thấm xuống lớp vỏ của sao Hỏa. "Nước lỏng trong các lỗ rỗng của lớp vỏ giữa cần có độ thấm đủ cao và nhiệt độ ở lớp vỏ nông cần đủ ấm để quá trình trao đổi giữa bề mặt và những chỗ sâu hơn có thể diễn ra", họ nói thêm.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.