Doanh nghiệp

Lo chỗ an cư để người dân lạc nghiệp

Mục tiêu chung là hướng đến việc đảm bảo chỗ an cư để người dân lạc nghiệp, để không ai bị bỏ lại phía sau khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Thần tốc xây "mái ấm cho đồng bào tôi"

Ngày 13.4.2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động "chiến dịch 450 ngày đêm cao điểm cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" với chủ đề "Mái ấm cho đồng bào tôi". Mục tiêu trong năm 2025 phải hoàn thành 3 nhiệm vụ: hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở (khoảng 200.000 căn) do ngân sách nhà nước bảo đảm; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 88.000 căn nhà); xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên. Theo thống kê của các địa phương thời điểm đó, ngoài 2 nhóm đối tượng đã được hỗ trợ theo ngân sách và chương trình mục tiêu quốc gia, cả nước còn 153.881 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí tối thiểu để thực hiện là 6.500 tỉ đồng.

Lo chỗ an cư để người dân lạc nghiệp- Ảnh 1.

Một dự án nhà ở xã hội tại Long An. Thực hiện chủ trương phát triển nhà ở, nhiều chương trình và gói tín dụng ưu đãi tiếp tục được triển khai trong năm 2025

ẢNH: ĐÌNH SƠN

"Đảng ta không có mục tiêu nào khác là bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền của đất nước và mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Chúng ta đã kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng, 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, không thể để người dân không có chỗ ở hoặc ở trong nhà tạm, nhà dột nát. Thời gian qua, việc khánh thành, khởi công các công trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo phong trào, xu thế, khí thế thi đua sôi nổi trong các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đem lại ý nghĩa quan trọng trên nhiều khía cạnh, đặc biệt trong năm 2025 - năm diễn ra nhiều ngày lễ lớn, các sự kiện, lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước. Mỗi căn nhà là "một món quà", "một tình thương", "một mái ấm" ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm, tình thương, tình đồng chí, nghĩa đồng bào, tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia của cả cộng đồng; thể hiện niềm tin, sự phấn khởi của nhân dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tại buổi lễ phát động chương trình, người đứng đầu Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là trách nhiệm từ trái tim. Theo Thủ tướng, xóa nhà tạm, nhà dột nát là một chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và nhân văn sâu sắc, góp phần mang lại mái ấm tình thương cho người bị thiên tai, hỏa hoạn, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu; cho người nghèo, người yếu thế, giúp người dân ổn định cuộc sống và có điều kiện thoát nghèo. Bởi vậy, để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát với khối lượng công việc "khổng lồ" trong khoảng 450 ngày đêm, Thủ tướng đã kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp chung sức, đồng lòng, tăng tốc, bứt phá hơn nữa với tinh thần "ai có gì góp nấy, ai có của góp của, ai có công góp công, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít" để mọi người dân được sống trong ấm no, hạnh phúc, trong tình dân tộc, nghĩa đồng bào và không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, hàng loạt địa phương cũng đã nhanh chóng phát động chiến dịch thần tốc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đến đầu tháng 10.2024, nghĩa là chỉ sau chưa đầy nửa năm, từ khoảng 170.000 nhà tạm, nhà dột nát, trên cả nước đã hoàn thành sửa chữa, xây mới gần 20.000 căn. Những đợt cao điểm tiếp tục được khởi xướng, phát động trên quy mô toàn quốc và tính đến sáng 18.5.2025, cả nước đã có 18/63 địa phương hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, 4 địa phương vừa ghi tên vào danh sách đều là những tỉnh có số lượng nhà tạm, nhà dột nát lớn. Cụ thể, Sơn La đã hoàn thành xóa 3.058 căn nhà (xây mới 2.653 căn, sửa chữa 405 căn); Bình Định hoàn thành xóa 4.411 căn nhà (xây mới 2.531 căn, sửa chữa 1.880 căn); Bình Phước xây mới 765 căn nhà; và Hậu Giang hoàn thành xóa 1.479 căn nhà (xây mới 833 căn, sửa chữa 646 căn).

Qua từng phiên họp, ghi nhận số liệu tổng kết, Thủ tướng Chính phủ lại tăng thêm "nhiệt" cho chiến dịch, thể hiện quyết tâm thực hiện nhiệm vụ từ trái tim càng sớm càng tốt với yêu cầu hoàn thành cơ bản trước ngày 31.10 năm nay.

An cư sớm cho người trẻ

Đầu năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi. Sau lời kêu gọi của Thủ tướng, từ tháng 2 đến nay, hàng loạt ngân hàng như ACB, Sacombank, BIDV, Vietcombank… đã tung ra các gói tín dụng cho người trẻ vay mua nhà với tiêu chí lãi suất vay thấp từ 4 - 6%/năm trong thời gian đầu, thời gian trả nợ kéo dài từ 20 - 50 năm, ân hạn cho vay 2 - 5 năm, hạn mức cho vay từ 80 - 100% tài sản thế chấp…

Lo chỗ an cư để người dân lạc nghiệp- Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, khi mỗi người dân đều có mái ấm ổn định, cuộc sống sẽ bớt lo toan, gia đình hạnh phúc và xã hội cũng bền vững hơn

ẢNH: ĐÌNH SƠN

Lo chỗ an cư cho người dân chính là tạo nền móng để phát triển một xã hội ổn định, bền vững và nhân văn. Khi mỗi người dân đều có một mái ấm, họ sẽ có thêm động lực để lao động, cống hiến và chung tay xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Đồng thời, hiện thực hóa phong trào toàn dân thi đua làm giàu mà Thủ tướng Chính phủ phát động triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

TS Trần Việt Anh (Phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Hùng Vương, TP.HCM)

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh từng khẳng định, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển NƠXH để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp. Trong điều kiện nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển NƠXH đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, qua đó góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân nói chung, cho các nhóm đối tượng được hưởng chính sách NƠXH nói riêng.

Là ngân hàng đầu tiên triển khai gói cho người trẻ vay mua nhà, ACB đã giải ngân 2.000 tỉ đồng chỉ sau 2 tháng triển khai đối với khách hàng dưới 35 tuổi, lãi suất 5,5%/năm. Theo báo cáo tài chính quý 1/2025 của các nhà băng, hoạt động cho vay bất động sản vẫn tiếp tục tăng trưởng; chẳng hạn Techcombank tăng 14,8% so với cuối năm trước, VIB tăng 24,9%, MB tăng 12,2%, SHB tăng 11,2%...

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2, cho biết các gói tín dụng cho khách hàng trẻ vay mua nhà trên địa bàn TP.HCM nằm trong tăng trưởng tín dụng về bất động sản chung, đóng góp vào tăng trưởng tín dụng bất động sản trong 4 tháng đầu năm thêm 2,85% so với cuối năm 2024, đạt 1,16 triệu tỉ đồng. Trong đó, cho vay mua nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất để xây nhà ở; vay sửa chữa nhà… vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản, chiếm 65% và đạt 727.000 tỉ đồng, tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 0,65% so với cuối năm 2024.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, thực hiện chủ trương phát triển nhà ở, nhiều chương trình và gói tín dụng ưu đãi tiếp tục được triển khai trong năm 2025. Chẳng hạn, gói tín dụng 145.000 tỉ đồng cho vay NƠXH; các gói tín dụng cho vay nhà ở gắn với sản phẩm tín dụng hấp dẫn về lãi suất, về kỳ hạn phù hợp với thu nhập người vay đã và đang tạo điều kiện thúc đẩy tín dụng nhà ở và phân khúc thị trường nhà ở phát triển theo xu hướng tích cực hơn. Minh chứng là tín dụng NƠXH và nhà ở thương mại trên địa bàn TP.HCM tính đến cuối tháng 4.2025 đạt gần 610.000 tỉ đồng, chiếm 54,6% tổng dư nợ tín dụng bất động sản, tăng 1,46% so cuối năm và tăng 8,18% so với cùng kỳ.

"Chính sách nhà ở đối với người thu nhập thấp cùng sự điều chỉnh một mức thu nhập thấp sẽ là yếu tố pháp lý thuận lợi. Với chính sách lãi suất tốt, sản phẩm tín dụng nhà ở đa dạng và linh hoạt về kỳ hạn, về lãi suất; đặc biệt phù hợp và gắn liền với thu nhập của người vay theo nguyên tắc đảm bảo cuộc sống và an cư lạc nghiệp của người lao động, các ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai cho khách hàng vay mua nhà trong thời gian tới. Điều quan trọng là nguồn cung nhà ở cho đối tượng này tăng trưởng", ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh.

Nền móng để xây dựng đất nước giàu mạnh

TS Trần Việt Anh, Phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM), nhận định trong văn hóa và tư duy của người Việt, an cư luôn là điều kiện tiên quyết để lạc nghiệp. Một mái nhà vững chắc không chỉ là nơi che nắng che mưa, mà còn là nền tảng giúp mỗi người yên tâm phát triển sự nghiệp, xây dựng gia đình và đóng góp cho xã hội. Bởi thế, chính sách về nhà ở không đơn thuần là vấn đề dân sinh mà còn là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương quan trọng nhằm giải quyết bài toán nhà ở, từ phát triển NƠXH, hỗ trợ tín dụng cho người thu nhập thấp, đến việc quy hoạch lại các khu dân cư và xây dựng các đô thị vệ tinh. Dù vậy, thực tế vẫn còn nhiều thách thức. Tại nhiều địa phương, người lao động thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp hay các cặp vợ chồng trẻ tại đô thị vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở có mức giá hợp lý. Một trong những nguyên nhân là giá bất động sản tăng nhanh, trong khi nguồn cung NƠXH và nhà ở thương mại giá rẻ còn hạn chế. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai các dự án còn chậm, thủ tục hành chính rườm rà, thiếu quỹ đất và cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền.

Lo chỗ an cư để người dân lạc nghiệp- Ảnh 3.

Các ngân hàng tích cực tham gia chương trình về nhà ở, triển khai gói cho người trẻ vay mua nhà

ẢNH: NGỌC THẮNG

Giải pháp đặt ra là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong việc phát triển nhà ở phù hợp nhu cầu thực tế. Các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, thủ tục hành chính cần được đẩy mạnh hơn nữa. Đặc biệt, việc quy hoạch xây dựng nhà ở cần gắn liền với hệ thống hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế và cơ hội việc làm để người dân thực sự an cư cả về vật chất lẫn tinh thần. Cả xã hội đang kỳ vọng vào Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NƠXH với nhiều chính sách đột phá như thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, chương trình xóa nhà ở dột nát, các gói tín dụng ưu đãi cho người trẻ mua nhà, hay mở rộng đối tượng mua NƠXH cho gia đình đông con. Đây sẽ là "thời điểm vàng" để những người yếu thế sở hữu căn nhà mơ ước.

"Lo chỗ an cư cho người dân chính là tạo nền móng để phát triển một xã hội ổn định, bền vững và nhân văn. Khi mỗi người dân đều có một mái ấm, họ sẽ có thêm động lực để lao động, cống hiến và chung tay xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Đồng thời, hiện thực hóa phong trào toàn dân thi đua làm giàu mà Thủ tướng Chính phủ phát động triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị", TS Trần Việt Anh nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đồng tình rằng thời gian qua Chính phủ cùng các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách về nhà ở, đặc biệt chú trọng đối tượng người dân có thu nhập thấp, người trẻ mới lập nghiệp, gia đình đông con hoặc hoàn cảnh khó khăn. Một trong những chương trình trọng điểm chính là việc xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai. Tính đến hết năm 2024, cả nước đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 320.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách, giúp hàng triệu người dân ổn định nơi ở, thoát khỏi cảnh sống trong nhà xuống cấp, thiếu an toàn. Song song đó, quỹ nhà ở quốc gia và các dự án NƠXH được đẩy mạnh tại các đô thị lớn, khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, phục vụ nhu cầu về chỗ ở cho công nhân, người lao động nhập cư. Điểm mới đáng chú ý trong năm 2025 là có các chính sách dành riêng cho nhóm người trẻ mới lập nghiệp và gia đình đông con sẽ được ưu tiên vay, mua NƠXH với chính sách ưu đãi, thời hạn trả dài và lãi suất thấp, giúp giảm bớt áp lực tài chính khi nuôi dạy con nhỏ.

Theo ông Lê Hoàng Châu, chính sách nhà ở nếu được thực hiện tốt sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn về kinh tế - xã hội. Khi người dân yên tâm về chỗ ở, họ sẽ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với địa phương, giảm tình trạng di cư tự do, bất ổn xã hội, đồng thời kích thích thị trường tiêu dùng và dịch vụ địa phương. Ngoài ra, việc phát triển nhà ở cho người dân cũng kéo theo sự phát triển của các ngành nghề phụ trợ như xây dựng, vật liệu, nội thất, dịch vụ hạ tầng…, tạo thêm việc làm và đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Những chính sách về nhà ở hiện nay cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy điều hành của các cấp chính quyền, lấy người dân làm trung tâm và đặt mục tiêu phát triển bền vững lên hàng đầu. Việc chăm lo chỗ ở ổn định cho người dân không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà còn là đầu tư dài hạn cho tương lai, tạo ra một xã hội yên bình, kinh tế phát triển và các thế hệ sau được lớn lên trong môi trường tốt hơn. An cư thì mới lạc nghiệp. Khi mỗi người dân đều có mái ấm ổn định, cuộc sống sẽ bớt lo toan, gia đình hạnh phúc hơn và xã hội cũng bền vững hơn.

Các tin khác

Lần đầu tiên sau 30 năm, Walmart hồi sinh ngoạn mục nhờ AI, khiến Amazon phải chạy theo học hỏi, tương lai siêu thị biến thành nhà kho TMĐT đang đến rất gần

Từng bị Amazon vượt qua vì bỏ lỡ làn sóng TMĐT đầu tiên, Walmart giờ đây đang hồi sinh ngoạn mục nhờ tận dụng triệt để ưu thế AI khi mảng TMĐT lần đầu tiên báo lãi sau 30 năm và có tốc độ tăng trưởng gấp đôi đế chế của Jeff Bezos.

Bữa tiệc 148 triệu USD của ông Trump: Thực đơn tệ, an ninh lỏng lẻo và những rắc rối chính trị phía sau

Một bữa tiệc xa hoa dành cho những người nắm giữ đồng tiền số gắn với tên tuổi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa diễn ra tại câu lạc bộ golf ở Virginia. Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang là hàng loạt bất cập về tổ chức, tranh cãi chính trị và những lo ngại về đạo đức trong việc kết hợp giữa chính trị và tiền số.

Cần ăn gì để giảm nguy cơ chấn thương khi tập chạy bộ?

Nhiều người chạy bộ thường tập trung vào chất lượng giày chạy, kỹ thuật hay thời gian nghỉ ngơi để ngăn ngừa chấn thương. Thế nhưng, dường như ít người nhận ra rằng chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

4 sai lầm cần tránh khi đeo khẩu trang

Giờ đây, khẩu trang đã trở thành vật không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Dù vậy, rất nhiều người vẫn mắc phải những sai lầm phổ biến khi sử dụng khẩu trang mà không nhận ra.

Loại đũa nào tốt nhất cho sức khỏe?

Loại đũa nào cũng có những ưu và nhược điểm, nên không có loại nào là tốt nhất, song để an toàn khi sử dụng điều quan trọng là khâu vệ sinh.