Bất động sản

Liên danh Hoa Lư khiếu nại sau khi Liên doanh Vietur được "vào vòng trong" gói thầu 35.000 tỉ đồng

Theo đó, đơn kiến nghị "khẩn cấp" của Liên danh Hoa Lư (Hoa Lư) gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương đối với đối tượng khiếu nại là bên mời thầu là Tổng Công ty hàng không Việt Nam, liên quan đến thông báo Liên danh Nhà thầu Vietur đáp ứng yêu cầu kỹ thuật số 3146. Hoa Lư cho rằng mình có bằng chứng cho thấy thành viên đứng đầu của Liên doanh Vietur đã vi phạm quy định về đấu thầu và không đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật Gói thầu 5.10 (thuộc gói thầu xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành- trị giá 35.000 tỉ đồng). Vì vậy cần xem xét lại Thông báo 3146".

Xác nhận với Phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện một thành viên trong Liên danh Hoa Lư là ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã xác nhận thông tin về đơn kiến nghị là đúng sự thật.

Liên danh Hoa Lư khiếu nại sau khi Liên doanh Vietur được vào vòng trong - Ảnh 1.

Coteccons đại diện Liên danh Hoa Lư

Nói rõ nội dung cần khiếu nại đối với gói thầu có trị giá 35.000 tỉ đồng này, phía Hoa Lư cho rằng đây là một trong những công trình lớn trọng điểm của đất nước cần có sự cẩn trọng trong công tác lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, không bị vướng lịch sử chậm trễ thi công hay nghi vấn tham nhũng. Đó cũng là các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu: ITB 3 (các hành vi bị cấm); ITB 4 (các nhà thầu đủ tiêu chuẩn).

"Chúng tôi là một trong ba liên danh vượt qua vòng sơ tuyển. Cùng với tiềm lực vượt trội cả về năng lực thi công và tài chính, chúng tôi đã dày công nghiên cứu hồ sơ mời thầu trong 14 tháng và đến hôm nay, Hoa Lư khẳng định rằng, hồ sơ kĩ thuật dự thầu của Liên danh Hoa Lư hoàn toàn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của hồ sơ mời thầu" - đơn khiếu nại nêu.

Trong đơn, phía Liên danh Hoa Lư cho rằng Chủ tịch Công ty IC Holdings (đơn vị đại diện cho liên danh Vietur), ông Ibrahim Cecen vướng vào nghi vấn tham nhũng.

Theo đó, phía Liên danh đã đính kèm các bài báo đăng những thông tin có liên quan đến cá nhân ông Ibrahim Cecen và những đơn vị có liên quan và cho rằng ông Ibrahim Cecen bị báo chí đăng bài, nhiều nghi vấn tham nhũng.

Hoa Lư cũng cho rằng "Đây là lần đầu tiên IC Holdings vào Việt Nam, trước đó chưa hề có kinh nghiệm gì đối với pháp luật Việt Nam hay các quy định xây dựng ở Việt Nam, cũng chưa có lý lịch rõ ràng. Vì vậy đề nghị Chính phủ và Bộ Công an vào cuộc để kiểm tra kỹ nhân thân của Chủ tịch IC Holdings cũng như các cáo buộc tham nhũng trên báo chí là đúng hay sai…".

Ngoài ra, IC Holdings có lịch sử thi công chậm nhiều công trình và có lịch sử bị chấm dứt các dự án lớn. Đồng thời có lịch sử kiện tụng chủ đầu tư. Liên doanh này cũng đưa ra ví dụ trên Reuters về việc Công ty phát triển năng lượng hạt nhân của Nga – Rosatom, đã chấm dứt hợp đồng xây dựng đến dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 20 tỉ USD với công ty thành viên của IC Holdings, do vi phạm hàng loạt các điều khoản hợp đồng xây dựng.

Tiếp theo Liên danh Hoa Lư cho rằng các kinh nghiệm xây dựng trên sân bay của IC Holdings là không đúng sự thật và có dấu hiệu bị chậm trễ…

Còn các thông tin thi công sân bay các nơi thì chưa hoàn toàn đúng sự thật. Ví dụ, IC Holdings cho thấy đơn vị này mới chỉ xây dựng được một sân bay ở Nga, một sân bay ở Bulgaris (Varna), còn lại là các sân bay ở Thổ Nhĩ Kỳ….

Ngoài ra, phía Hoa Lư còn quan ngại khác như: "Gói thầu 5.10 là đấu thầu quốc tế rộng rãi. Theo thông lệ quốc tế đấu thầu của ICB, chủ đầu tư trước khi quyết định các yếu tố kĩ thuật có điểm liệt hay chưa rõ đều phải công khai yêu cầu công ty dự thầu giải thích, cung cấp thêm để đảm bảo tính khách quan. Việc áp dụng điểm tối thiểu cần phải xem xét kỹ càng liệu có đúng quy định đấu thầu quốc tế để tránh các khả năng tranh chấp sau này từ các nhà thầu có kinh nghiệm trên thương trường quốc tế, ảnh hưởng đến tiến độ dự án uy tín quốc gia".

Theo đó, Liên doanh Hoa Lư nhận định rằng việc chọn duy nhất một Liên danh Vietur vào vòng xét mở hồ sơ tài chính có khả năng đồng nghĩa với việc đơn vị trúng thầu đã được xác định từ phòng xét tuyển hồ sơ đề xuất kỹ thuật, dẫn đến nguy cơ rất cao không đảm bảo tính cạnh tranh công bằng về giá….

Vì những lý do trên, Liên doanh Hoa Lư đã đề cơ quan thẩm quyền xem xét chỉ đạo bên mời thầu dừng mở hồ sơ tài chính gói thầu 5.10, và đề nghị thẩm tra xác minh lại năng lực của các liên doanh nhà thầu, hoặc mời đơn vị độc lập thứ ba có đủ năng lực và chuyên môn để đánh giá lại hồ sơ kỹ thuật dự thầu của các bên để Chính phủ có thể chọn được liên doanh nhà thầu có năng lực nhất, minh bạch và trong sạch nhất nhằm thực hiện dự án quan trọng này.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm