Theo tờ Business Korea, ngày 1/8, LG Display công bố đã chọn CSOT - công ty con của Tập đoàn TCL (Trung Quốc), làm đối tác đàm phán ưu tiên để bán cổ phần tại nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD) ở Quảng Châu.
Quyết định này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chiến lược chuyển hướng của LG Display, từ công nghệ LCD sang công nghệ OLED sinh lời cao hơn. Động thái này thu hút sự chú ý của giới chuyên gia trong ngành.
Nhiều công ty Trung Quốc, trong đó có BOE, đã bày tỏ quan tâm đến nhà máy Quảng Châu. Tuy nhiên, CSOT được chọn vì đưa ra điều khoản hấp dẫn về giá mua và hỗ trợ vận hành sau này.
Quyết định này xuất phát từ thực trạng thị trường công nghệ màn hình đang cạnh tranh gay gắt và thay đổi nhanh chóng.
LG Display, tập đoàn điện tử lớn của Hàn Quốc, từng là "ông lớn" trên thị trường LCD toàn cầu, nhưng nay đang chuyển hướng sang công nghệ OLED do áp lực thị trường. Thị trường LCD đang chứng kiến cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt từ các nhà sản xuất Trung Quốc như BOE và CSOT, khiến giá cả và lợi nhuận sụt giảm.
Năm 2021, CSOT đã mua lại nhà máy sản xuất LCD ở Tô Châu và các bằng sáng chế LCD từ Samsung Display khi hãng này rút lui khỏi mảng kinh doanh LCD. Thương vụ này đưa CSOT lên vị trí thứ hai thế giới về diện tích màn hình LCD xuất xưởng, chỉ sau BOE.
Các chuyên gia nhận định CSOT đã đưa ra mức giá cao hơn BOE để có được công nghệ IPS tiên tiến của LG Display. Cuối năm 2022, LG Display ngừng sản xuất màn hình LCD cỡ lớn cho TV tại nhà máy Paju ở tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, cho thấy rõ hơn chiến lược chuyển hướng sang công nghệ OLED.
Trong quý II, LG Display đã giảm đáng kể khoản lỗ so với cùng kỳ năm ngoái, từ 881,5 tỷ won xuống còn 93,7 tỷ won, nhờ doanh số OLED tăng mạnh. Dự kiến công ty sẽ có lãi trong nửa cuối năm nay. LG Display và CSOT sẽ bắt đầu đàm phán chi tiết để ký kết thỏa thuận mua bán cổ phần.
Giới chuyên gia dự đoán giá bán nhà máy Quảng Châu sẽ dao động từ hơn 1.000 tỷ won đến gần 2.000 tỷ won.