Phong cách sống

Lên làm sếp, Gen Z lập lại cuộc chơi chốn công sở: Cho nhân viên điều trị tâm lý miễn phí, không họp hành cũng chẳng chấm công

Bước chân vào thị trường lao động, nếu các thế hệ trước gần như chẳng cần gì, chỉ cần tiền, cứ có lương thưởng đầy đủ là việc gì cũng làm, kể cả khi không mấy thích thú đi chăng nữa; thì Gen Z - Thế hệ trẻ nhất trong lực lượng lao động lại không như vậy.

Chào đời trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2012, tới năm 2024, một bộ phận Gen Z đã bước sang tuổi 27. Điều này đồng nghĩa với việc không ít Gen Z đã “nhón” một chân vào hành trình thăng tiến trong sự nghiệp. Nếu không phải là tự mở công ty, tự làm chủ, Gen Z cũng đã đi làm đủ lâu để bước vào tầng lớp C-Suite (lãnh đạo) trong doanh nghiệp.

Lên làm sếp, Gen Z lập lại cuộc chơi chốn công sở: Cho nhân viên điều trị tâm lý miễn phí, không họp hành cũng chẳng chấm công- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Báo cáo của McKinsey - Công ty tư vấn quản trị toàn cầu khẳng định ngày càng có nhiều Gen Z thăng tiến thành công. Ở độ tuổi dưới 30, nhiều người đã đảm nhận vai trò CEO, thậm chí là CFO.

Là thế hệ trẻ với tư duy khác biệt, táo bạo, Gen Z mạnh dạn đặt ra loạt quy tắc làm việc như mơ ở chốn công sở.

Hiếm khi họp hành, đi làm chẳng cần chấm công

Ở The Z Link - Công ty tiếp thị có 100% nhân sự là Gen Z, các cuộc họp là điều hiếm khi nào xảy ra. Đây là phong cách làm việc được đề xuất, thực thi và duy trì bởi Erifili Gounari - Giám đốc điều hành. Erifili Gounari mới 24 tuổi.

Năm 2020, khi vẫn còn đang là sinh viên Đại học Glasgow ở Scotland, Erifili Gounari đã thành lập The Z Link và phát triển doanh nghiệp của mình thành một công ty đa quốc gia với 25 nhân sự đến từ Bồ Đào Nha, Phần Lan, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ.

Sự thành công của The Z Link có thể kể đến danh sách khách hàng toàn những “cái tên lớn”, hai trong số đó là Deloitte và Ikea.

Lên làm sếp, Gen Z lập lại cuộc chơi chốn công sở: Cho nhân viên điều trị tâm lý miễn phí, không họp hành cũng chẳng chấm công- Ảnh 2.

Erifili Gounari

Erifili Gounari cho biết: “Trong quá trình thực tập trước khi tốt nghiệp, tôi đã có cơ hội trải nghiệm ở nhiều môi trường làm việc khác nhau. Phần lớn các công ty, tập đoàn lớn đều yêu cầu nhân sự tham gia 3-4 cuộc họp mỗi tuần. Tôi thấy việc này thực sự lãng phí thời gian. Trên lý thuyết, trao đổi ý tưởng hay thảo luận công việc trực tiếp, thay vì tương tác online có thể giúp tối ưu thời gian. Còn thực tế, không phải leader nào cũng có kỹ năng “lèo lái” một cuộc họp đi đúng trọng tâm mà không dông dài.

Thế nên đôi khi họp hành lại là đầu việc tốn thời gian một cách vô nghĩa” .

Vì không họp hành nên các nhân viên tại The Z Link chủ yếu làm việc qua hình thức voice chat và thảo luận online trên Google Docs. Các cuộc họp chỉ được tổ chức theo yêu cầu của khách hàng hoặc trong trường hợp khẩn cấp.

Ngoài việc hạn chế họp hành, tại The Z Link, nhân sự còn không phải check-in online hay báo cáo “có mặt” mỗi ngày trong giờ làm việc.

Chuyện này một phần đến từ yếu tố chênh lệch múi giờ do các nhân sự ở những quốc gia khác nhau, nhưng Erifili Gounari cho biết ngay cả khi họ sống cùng một múi giờ, cô cũng không muốn đặt ra giờ chấm công, vì cô tin rằng mỗi người sẽ có một khung giờ làm hiệu quả nhất của riêng họ. Người lãnh đạo nên tôn trọng điều đó để nhân sự phát huy được hết khả năng của mình.

Lên làm sếp, Gen Z lập lại cuộc chơi chốn công sở: Cho nhân viên điều trị tâm lý miễn phí, không họp hành cũng chẳng chấm công- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Theo một báo cáo của Adobe năm 2023, Gen Z cực kỳ thích làm việc theo giờ giấc linh hoạt vào những thời điểm thuận tiện cho họ hơn là một lịch trình làm việc đã định sẵn. Báo cáo này cũng cho thấy 1/4 Gen Z cho biết năng suất của họ đạt đỉnh điểm trong khoảng thời gian từ 6 giờ chiều đến 3 giờ sáng.

Erifili Gounari giải thích: “Bạn không thể thúc ép sự sáng tạo và cũng không thể ép buộc một ai đó phải sáng tạo được trong 1 khung giờ cố định. Vì vậy việc cho phép nhân sự làm việc trong khung giờ hiệu quả của riêng họ đã giúp doanh nghiệp của tôi phát triển” .

Nói không với e-mail nội bộ, đặt lịch trị liệu tâm lý miễn phí cho nhân sự

Sid Pandiya - CEO 24 tuổi cho biết anh thích trao đổi qua tin nhắn, trong các group chat nội bộ hơn là gửi e-mail. Việc trao đổi thông tin qua mail chỉ được áp dụng với các khách hàng của công ty hoặc đối tác.

Chưa hết, anh còn đưa văn hóa nội bộ doanh nghiệp lên một “tầng cao” mới với đãi ngộ đặt lịch trị liệu tâm lý miễn phí cho nhân sự nếu họ cần.

Lên làm sếp, Gen Z lập lại cuộc chơi chốn công sở: Cho nhân viên điều trị tâm lý miễn phí, không họp hành cũng chẳng chấm công- Ảnh 4.

Sid Pandiya (Bên trái)

Pandiya nói rằng doanh nghiệp sẽ có lợi nhiều hơn khi quan tâm tới sức khỏe tinh thần của nhân viên sẽ có lợi hơn nếu làm như vậy.

“Chúng tôi cởi mở với nhau về cảm xúc trong công việc và cả những rắc rối mà từng người đang gặp phải, dù chúng không liên quan tới công việc đi chăng nữa. Công ty sẽ là ngôi nhà thứ hai của bạn - Điều nghe có vẻ rỗng tuếch và phi thực tế này lại là thứ tôi muốn thực hiện và tin rằng mình đang làm tốt” - Pandiya chia sẻ.

Anh cũng cho biết Gen Z ít quan tâm đến “tính chuyên nghiệp” hơn các thế hệ trước. Thay vào đó, họ coi trọng sự minh bạch trong công việc, đặc biệt là trong các cuộc thảo luận liên quan đến sức khỏe tinh thần.

“Đặc điểm chung của rất nhiều nhà lãnh đạo lớn tuổi mà tôi từng làm việc cùng trong thời gian thực tập chính là: Họ quá rạch ròi giữa công việc và đời tư. Công việc là công việc, bạn phải hoàn thành ngay cả khi bạn đang ốm hay đang tuyệt vọng. Nhưng tôi nghĩ thế hệ của tôi thì khác. Chúng tôi quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình và đặt nó ở vị trí ngang bằng với việc đi làm kiếm tiền” - Pandiya chia sẻ về lý do anh dành cho nhân viên đãi ngộ “được điều trị tâm lý miễn phí”.

Theo CNBC

Cùng chuyên mục

Đọc thêm