Tại cuộc họp giao ban quý I/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 11/3, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Viễn thông cho biết việc phổ cập điện thoại thông minh trước tiên sẽ tập trung vào hộ gia đình nghèo và cận nghèo, chưa có điều kiện tiếp cận sản phẩm.
Để thực hiện, Cục đề nghị các địa phương lập danh sách hộ phù hợp với tiêu chí. Nguồn lực để phổ cập smartphone đến từ Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích. "Trong trường hợp số hộ vượt số lượng quỹ có thể hỗ trợ, địa phương sẽ vận động các nguồn khác, xã hội hóa từ doanh nghiệp viễn thông để triển khai", ông Phúc nói.
Ngoài ra, với tiêu chí mỗi hộ gia đình có thể tiếp cận đường cáp quang Internet, Cục cũng đề nghị các địa phương phối hợp làm việc với các doanh nghiệp viễn thông để phát triển mạng tại các khu vực chưa đủ cáp quang.
Trước đó, theo thông tư Thông tư số 14 năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ sản phẩm hoặc 500 nghìn đồng để trang bị điện thoại thông minh.
Mỗi năm, chương trình sẽ cung cấp lượng điện thoại nhất định, được phân chia theo tỉnh, dựa theo tỷ lệ số hộ nghèo của tỉnh chưa có thiết bị trên tổng số của cả nước. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định tiêu chí và cách phân bổ tới hộ dân.
Theo thống kê đến hết 2023, tỷ lệ người trưởng thành sử dụng smartphone tại Việt Nam đạt 84%. Đến tháng 2, số gia đình có cáp quang đạt 80,1%, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 100,7 triệu, tăng 1,2%. Số thuê bao Internet băng rộng di động đạt 89,78 triệu, tăng 6,4%.
Theo quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông 2021-2030, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025, 100% người trưởng thành có smartphone, tốc độ 5G đạt tối thiểu 100 Mb/giây. Đến 2030, mạng 5G sẽ phủ đến 99% dân số.