Trong báo cáo phục vụ cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Tổ công tác Thủ tướng sáng 11/3, Bộ Xây dựng đánh giá thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Theo đó, thị trường đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, thị trường và các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước.
Hơn 400 dự án tại Hà Nội và TP HCM đang được gỡ vướng
Về kết quả triển khai nhiệm vụ của Tổ công tác, Bộ Xây dựng cho biết đã làm việc lần lượt với các địa phương, bao gồm TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định..., cùng với đó là các doanh nghiệp.
Thành lập tổ công tác của địa phương để rà soát, nghiên cứu tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn; giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản đã được Tổ công tác của Thủ tướng rà soát và có văn bản chỉ đạo, hoàn thành trước 30/6/2024.
Trong năm 2023, tổ công tác đã nhận được 142 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị liên quan đến 191 dự án bất động sản.
Cụ thể, tổ công tác đã xem xét, xử lý 142 văn bản. Trong đó, có 129 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Có 13 văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét giải quyết, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.
Riêng trong hai tháng đầu năm, tổ công tác nhận được 4 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị liên quan đến 4 dự án bất động sản và đã xem xét, xử lý 4 văn bản.
Tại TP HCM, tổ công tác đã nhận được 37 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp, người dân và đã có 37 văn bản liên quan đến 72 dự án gửi UBND TP và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.
Theo báo cáo, thành phố đã triển khai giải quyết theo thẩm quyền 33/72 dự án do tổ công tác yêu cầu, đã triển khai giải quyết 44/148 dự án do Hiệp hội Bất động sản TP HCM tổng hợp kiến nghị. Thành phố hiện đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 143 dự án (39 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác Bộ Xây dựng và các bộ, ngành; 104 dự án theo tổng hợp kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP HCM).
Tại Hà Nội hiện có 404 dự án, qua rà soát phân loại khó khăn, vướng mắc, thành phố đã giải quyết 81 dự án đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai; 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động; 67 dự án tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Hiện tại, Thành phố đang tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 246 dự án theo hướng dẫn.
Tại Hải Phòng, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết thành phố đã giải quyết tháo gỡ được 11/15 dự án có khó khăn, vướng mắc; 4 dự án còn lại đang tiếp tục được tháo gỡ theo quy định.
Tại Cần Thơ, thành phố đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 34 dự án, trong đó 22 dự án khó khăn về bồi thường giải phóng mặt bằng; 8 dự án khó khăn về xác định giá thu, tính tiền sử dụng đất.
Tại Bình Định, Bộ Xây dựng cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo giải quyết tháo gỡ khó khăn với 26 dự án (gồm 19 dự án khu đô thị, 7 dự án nhà ở xã hội) và đang tiếp tục tháo gỡ cho 16 dự án.
Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường bất động sản nói chung và việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Mặc dù nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế trong các luật mới được Quốc hội thông qua tháo gỡ, tuy nhiên các luật chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc tại thời điểm hiện nay.
Một số địa phương chưa thành lập tổ công tác giải quyết khó khăn theo quy định, chưa tích cực trong việc giải quyết tháo gỡ khó khăn. Việc giải quyết tại nhiều địa phương chủ yếu dừng ở việc chuyển văn bản cho các sở, ngành liên quan xem xét chưa có kết quả giải quyết cụ thể, triệt để.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cho biết còn nhiều khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực thi pháp luật, như tổ chức, người thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định; chưa rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn để đánh giá cụ thể nguyên nhân, lý do các dự án chưa triển khai hoặc chậm triển khai.
Đồng thời chưa tập trung lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở; chưa tập trung đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất...; chưa chú trọng cải cách thủ tục hành chính dẫn đến kéo dài hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn.
Doanh nghiệp cần chủ động đề nghị giải quyết khó khăn
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trình Chính phủ trong tháng 5.
Đồng thời đẩy mạnh hoạt động của tổ công tác, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản và có văn bản chỉ đạo, hoàn thành trước 30/6.
Đặc biệt, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án bất động sản.
Với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng đề nghị cơ quan điều hành chính sách tiền tệ có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện giải pháp về tái cấu trúc nợ tín dụng liên quan đến các dự án bất động sản của doanh nghiệp.
Đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư. Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh cơ chế hỗ trợ chương trình theo hướng tái cấp vốn.
Bộ Xây dựng đề nghị các doanh nghiệp chủ động rà soát về thủ tục pháp lý nêu cụ thể các khó khăn, vướng mắc của từng dự án để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tái cấu trúc, cơ cấu lại danh mục dự án, sản phẩm; chủ động rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để tập trung triển khai và hoàn thành dứt điểm từng dự án tránh đầu tư dàn trải, dở dang, đảm bảo phương án trả nợ vay tín dụng và nợ trái phiếu doanh nghiệp.
Đặc biệt, điều chỉnh lại phân khúc, giá bất động sản, phù hợp với thị trường và đảm bảo tính thanh khoản, tạo dòng vốn để duy trì hoạt động và thực hiện dự án.
Đối với các địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị thành lập tổ công tác của địa phương để rà soát, nghiên cứu tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn; giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản đã được Tổ công tác của Thủ tướng rà soát và có văn bản chỉ đạo, hoàn thành trước 30/6/2024.