Ngày 20.4 tại khu vực biển Đà Nẵng, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP.Đà Nẵng tổ chức chương trình "Clean up Sơn trà - lặn biển, dọn rác, giải cứu san hô".
Chương trình thu hút hơn 1.400 bạn trẻ là các tình nguyện viên, trong đó có cả người dân địa phương khu vực biển Đà Nẵng, du khách trong và ngoài nước, người nước ngoài sinh sống trên địa bàn thành phố tham gia.
Đặc biệt, hoạt động lặn biển, dọn vệ sinh dưới nước tại khu vực hòn Sụp bán đảo Sơn Trà đã thu hút hơn 100 tình nguyện viên.

Các đội lặn biển chuẩn bị
ẢNH: NGUYỄN TÚ
Với tinh thần hăng hái và sẵn sàng cống hiến, các bạn tình nguyện viên đội lặn đã có mặt rất sớm tại bãi biển Mân Thái (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). Thành viên tham gia gồm các bạn sinh viên, các CLB bơi lặn, học sinh các trường THPT và cả những người bơi tự do đam mê hoạt động bảo vệ môi trường.
Đăng ký tham gia khi Đoàn trường phát động, Phạm Ngọc Đồng, sinh viên Khoa Huấn luyện thể thao, Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng, chia sẻ: "Là một sinh viên theo học chuyên sâu bơi, mình tham gia hoạt động này với mục đích là góp sức mình vào việc giữ xanh, sạch, vệ sinh môi trường biển, đồng thời mong muốn chia sẻ và lan tỏa giá trị của hoạt động đến với nhiều người hơn nữa".
Trước khi tham gia chương trình, vào ngày 9.4 các tình nguyện viên đã được tập huấn kỹ năng bơi lặn, nhất là lặn sâu nhằm đảm bảo an toàn, đồng thời được phổ biến những kiến thức cơ bản về hoạt động dọn vệ sinh đáy biển, cắt lưới dính vào các rạn san hô không ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên.

Các tình nguyện viên tiến ra biển
ẢNH: NGUYỄN TÚ
Bên cạnh đó, để hoạt động diễn ra an toàn và hiệu quả, các tình nguyện viên đã được chia thành 39 nhóm nhỏ, mỗi nhóm có nhóm trưởng phụ trách điều phối. Các bạn cũng được trang bị đầy đủ dụng cụ cơ bản như bao tay, kìm, túi lưới, kính bơi, ống thở, chân vịt…
Chia sẻ về quá trình lặn biển, Đội trưởng đội lặn biển, anh Đặng Bảo Tài cho biết: "Trong quá trình lặn biển, nhặt rác hôm nay, khoảng thời gian đầu khi đoàn mới xuất phát thì sương mù xuất hiện, bao trùm biển làm cho đội khó xác định được phương hướng. Nhưng một lúc sau thì sương đã bắt đầu tan, đội trở lại lặn bình thường. Dù có những đoạn lặn sâu, đội vẫn nỗ lực hết mình để thu gom triệt để các loại rác thải".

Trang bị áo phao để đảm bảo an toàn
ẢNH: HẢI YẾN
Rời biển khi sáng sớm và trở về khi trời tầm trưa, sinh viên Thái Thị Thảo Nguyên, Trường đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng, bày tỏ: "So với những đợt trước thì hôm nay ra biển nhặt rác, mình nhận thấy biển càng ngày càng sạch, xanh hơn, ít rác, san hô cũng sinh trưởng đẹp hơn. Mình mong mọi người hãy luôn gìn giữ ý thức và bảo vệ môi trường".
Ngoài nhặt rác dưới biển, chương trình Clean up Sơn Trà còn có gần 1.300 tình nguyện viên nhặt rác trên bờ (từ nút giao Hoàng Sa - Lê Văn Lương đến bãi Bắc và dọc tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp), hoạt động đổi rác nhận quà…
Chương trình không chỉ là một hoạt động tình nguyện, mà còn là hành trình lan tỏa trách nhiệm với môi trường sống từ chính những người trẻ năng động và đầy nhiệt huyết.
Một số hình ảnh hoạt động:

Vượt sóng ra khu vực lặn nhặt rác
ẢNH: NGUYỄN TÚ

Các tình nguyện viên chèo SUP ra khu vực hòn Sụp
ẢNH: NGUYỄN TÚ

Nhặt vỏ lon và rác ở rạn san hô
ẢNH: TRẦN PHI HÙNG

Cắt lưới do quá trình đánh cá vướng vào san hô
ẢNH: TRẦN PHI HÙNG

Một tình nguyện viên người nước ngoài đưa rác từ rạn san hô lên ván sup
ẢNH: NGUYỄN TÚ

Gỡ lưới để san hô phát triển tự nhiên
ẢNH: TRẦN PHI HÙNG

Thời gian công tác bảo tồn san hô giúp khu vực hòn Sụp phát triển hệ sinh thái tự nhiên
ẢNH: TRẦN PHI HÙNG

Tuy nhiên vẫn còn đó một số khu vực cần phục hồi do hoạt động xâm hại san hô
ẢNH: TRẦN PHI HÙNG

Tình nguyện viên dọn rác ở khu vực rừng dừa
ẢNH: HẢI YẾN