Chị Quỳnh là trụ cột kinh tế của gia đình, bố mẹ lớn tuổi lại mắc nhiều bệnh nền. Khám sức khỏe gần đây, chị phát hiện mắc ung thư vú giai đoạn hai. "Tôi gọi về nhà định báo tin nhưng nghe tiếng bố ho nặng, tôi bỏ ý định sợ ông bà lo lắng rồi bệnh nặng hơn ", chị Quỳnh kể.
Hơn một tuần sau, chị đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, điều trị. BS.CKI Lê Ngọc Vinh, Đơn vị Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ, cho biết bệnh ung thư vú ở giai đoạn hai, điều trị đúng cách có tiên lượng sống sau 5 năm đến hơn 80%. Chị Quỳnh được phẫu thuật cắt u vú (phẫu thuật bảo tồn) và vùng mô lành xung quanh khoảng 2 cm. Những ngày phải phẫu thuật, chị báo với gia đình "công việc sẽ bận vài ngày, không thể liên lạc". Sau phẫu thuật, chị tiếp tục hóa trị, xạ trị, uống thuốc nội tiết.

Bác sĩ Vinh động viên anh Kha điều trị. Ảnh: Thanh Luận
Đợt hóa trị đầu tiên, chị mất vị giác, ăn uống không ngon miệng, đuối sức, tăng men gan, khô rát miệng... Không có ai tâm sự, tinh thần chị xuống nhanh, có những ngày mất ngủ, cơ bắp cứng lại, phải ngắt quãng các đợt truyền thuốc. Hiểu được hoàn cảnh của chị Quỳnh, bác sĩ khoa Tâm lý tư vấn, động viên, điều dưỡng ưu tiên chăm sóc giúp chị xốc lại tinh thần, tiếp tục điều trị.
Cũng như chị Quỳnh, anh Kha, 40 tuổi, một mình nuôi con gái ba tuổi. Tháng 10 năm ngoái, sau ba tháng vợ qua đời, anh phát hiện ung thư hạch giai đoạn ba. Nhận tin, anh giam mình trong phòng suốt hai tuần, không ngủ được khiến tinh thần suy sụp. "Có thời điểm tôi nghĩ sẽ không điều trị, buông xuôi tất cả", anh Kha nhớ lại. Nhờ bác sĩ động viên, tư vấn ung thư hạch giai đoạn ba nếu đáp ứng tốt với điều trị, tiên lượng chữa khỏi bệnh cao, giúp anh mạnh mẽ hơn.
Con gái còn quá nhỏ, không có người thân ở gần, anh một mình chống chọi với ung thư, tìm kiếm cơ hội sống để tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng con nên người. Anh Kha truyền 6 toa hóa chất, mỗi toa cách nhau ba tuần. Sau lần truyền thuốc đầu tiên, kết quả siêu âm, MRI cho thấy các hạch ở bụng, cổ, vùng thượng đòn... giảm kích thước. Hiện, sức khỏe anh đã ổn, tái khám định kỳ để theo dõi bệnh.
Theo bác sĩ Vinh, Việt Nam chưa có thống kê về người bệnh "một mình" điều trị ung thư, song quá trình làm việc, những trường hợp này không ít. Điểm chung của những người bệnh chọn "một mình" chống chọi với ung thư là vì sợ người thân lo lắng, không muốn mình trở thành gánh nặng tâm lý và kinh tế, ảnh hưởng đến gia đình. Đơn độc, âm thầm chữa ung thư khiến người bệnh dễ căng thẳng, rối loạn tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Người bệnh ung thư dễ lo lắng, suy sụp tinh thần, gặp nhiều tác dụng phụ nên rất cần người thân động viên, chăm sóc trong suốt quá trình điều trị. Khi không có người bên cạnh chia sẻ, hỗ trợ tài chính, họ phải chịu đựng nỗi đau một mình, nguy cơ cao bị bế tắc tâm lý, rối loạn, ảnh hưởng kết quả.
Bác sĩ Ngọc Vinh cho hay nếu người bệnh bất đắc dĩ phải chữa ung thư một mình, nhân viên y tế cần chủ động chia sẻ, an ủi tinh thần giúp người bệnh bình tĩnh và vững tin hơn trên hành trình chiến đấu ung thư. Khi không thể chia sẻ cùng gia đình, bác sĩ khuyến khích người bệnh nên tìm kiếm sự hỗ trợ của người thân quen, bạn bè. Dù không giúp được về kinh tế nhưng những lời hỏi thăm cũng có thể xoa dịu tâm trạng căng thẳng, lo âu của người bệnh.
Globocan ước tính năm 2022 hơn 400.000 người Việt bị ung thư, trong đó hơn 180.000 ca mới mắc và 120.000 ca tử vong. Ung thư vú là nguyên nhân tử vong do ung thư hàng đầu ở phụ nữ, với hơn 24.000 ca mắc ở cả hai giới. Ung thư hạch bạch huyết gồm lymphoma không Hodgkin và lymphoma Hodgkin. Có khoảng hơn 3.500 ca mắc mới lymphoma không Hodgkin, bệnh gây tử vong cho hơn 2.200 người. Còn lymphoma Hodgkin có số ca mắc mới, tử vong lần lượt hơn 600 và 200.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |