Đây là những câu hỏi được nhiều người quan tâm sau khi hàng loạt người dân bất ngờ được thông báo nằm trong danh sách bị hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Theo số liệu được Tổng cục Thuế công bố trong Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác thuế sáu tháng cuối năm 2024, trong sáu tháng đầu năm cả nước có gần 17.000 người bị tạm hoãn xuất cảnh do liên quan đến nợ thuế.
Bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ… thuế
Cũng theo cơ quan thuế, Hà Nội và TP.HCM đứng đầu danh sách có nhiều cá nhân bị tạm hoãn xuất cảnh với lý do nợ thuế. Cụ thể, Hà Nội là địa phương dẫn đầu số lượng người bị hoãn xuất cảnh với 4.672 người là đại diện doanh nghiệp, số tiền thuế nợ là 5.901 tỉ đồng.
Một lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho biết số nợ thu được qua công tác tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là 714 tỉ đồng. Với việc triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ cũng như đôn đốc thu hồi nợ đọng, kết quả số thu hồi nợ đọng trong sáu tháng đầu năm nay là 7.646 tỉ đồng.
Cũng trong thời gian này, Cục Thuế TP.HCM cho biết đã tạm hoãn xuất cảnh đối với 2.766 cá nhân, đại diện doanh nghiệp nợ thuế. Tính đến ngày 30-6, tổng số tiền nợ thuế trên địa bàn ước tính lên đến 61.582 tỉ đồng, bằng 17,5% dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024, tăng 22% so với cuối năm 2023.
Theo Cục Thuế TP.HCM, nợ thuế tăng mạnh do nhiều nguyên nhân như khó khăn, vướng mắc về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất lớn chưa được tháo gỡ, tăng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp sau quyết toán năm 2023, tăng tiền chậm nộp do hệ thống tính lại tiền chậm nộp năm 2023 của các khoản nợ đã nộp trong năm.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa tháo gỡ được những khó khăn về tài chính và những khó khăn trong tín dụng ngân hàng dẫn đến tiền thuế nợ tăng cao. Để đẩy nhanh việc xử lý và thu hồi số nợ thuế trên, trong sáu tháng đầu năm Cục Thuế đã ban hành 66.018 quyết định cưỡng chế với tổng số tiền thi hành cưỡng chế là 512.004 tỉ đồng.
Cơ quan thuế đã tạm hoãn xuất cảnh đối với 2.766 trường hợp cá nhân, đại diện doanh nghiệp nợ thuế, công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với 1.196 người nộp thuế nợ thuế với tổng số thuế nợ ước tính đến kỳ khóa sổ tháng 6-2024 là 19.656 tỉ đồng.
Nhờ thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý, đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, ước tính đến hết tháng 6-2024 số nợ thu được là 21.581 tỉ đồng. Trong đó, thu nợ năm 2023 là 6.141 tỉ đồng và thu nợ phát sinh năm 2024 là 15.440 tỉ đồng.
Làm sao để biết có bị nợ thuế hay không?
Việc nhiều cá nhân bỗng dưng được thông báo bị cấm xuất cảnh vì lý do nợ thuế nhưng không biết, thậm chí nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế số tiền chưa đến 1 triệu đồng… khiến nhiều người giật mình, lo lắng với câu hỏi làm sao để biết mình có nợ thuế hay không?
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Tổng cục Thuế cho biết theo quy định Luật Quản lý thuế và nghị định 126 năm 2020 quy định về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, những trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh gồm cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thuế.
Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cũng bị tạm hoãn xuất cảnh.
Cũng theo vị này, trước khi gửi thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với người nộp thuế đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan thuế phải rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân đó, đồng thời phải gửi thông báo cho người nộp thuế biết và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
"Để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, việc bị tạm hoãn xuất cảnh sẽ là một biện pháp hiệu quả, nhắc nhở người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước. Đây cũng là cảnh báo cho các đối tượng nợ thuế khác phải nộp thuế đầy đủ để không bị tạm hoãn xuất cảnh", vị này khẳng định.
Cũng theo vị này, để nắm được thông tin về việc có nợ thuế hay không, người nộp thuế nên theo dõi, tra cứu nghĩa vụ thuế, trong đó có số tiền thuế nợ qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc ứng dụng Etaxmobile.
Riêng các thông báo nợ thuế, thông báo tạm hoãn xuất cảnh, quyết định cưỡng chế…, cơ quan thuế có trách nhiệm gửi đến người nộp thuế theo địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng gửi các thông báo này bằng phương thức điện tử nếu đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử.
"Để kịp thời nhận được các thông tin về nợ thuế, thông tin tạm hoãn xuất cảnh…, người nộp thuế cần phải cung cấp chính xác các thông tin về địa chỉ nhận thông báo và cập nhật kịp thời các thông tin khi có sự thay đổi gửi cho cơ quan thuế", vị này khuyến cáo.
Doanh nghiệp nợ thuế, lãnh đạo bị "bêu tên", hoãn xuất cảnh
Thời gian gần đây, lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp tại khu vực miền Tây có nợ thuế đã bị công khai danh tính và nhận được thông báo tạm hoãn xuất cảnh.
Chẳng hạn, ông Trịnh Minh Châu - giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH xây dựng và thương mại Minh Châu (TP Sóc Trăng) - vừa bị Cục Thuế tỉnh Sóc Trăng ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh với lý do doanh nghiệp này đang bị nợ thuế 33,6 tỉ đồng.
Theo ông Châu, do thời gian qua làm ăn khó khăn nên dẫn đến nợ thuế. "Nhiều tài sản chưa bán được. Việc sang nhượng một phần dự án cũng đang vướng. Chúng tôi đang cố gắng trả nợ thuế từ từ, khi nào bán được tài sản, có nguồn… sẽ trả dứt trong thời gian sớm nhất", ông Châu cho biết.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị Cục Thuế TP Cần Thơ ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh với lý do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Cụ thể như người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Gạo Ngon Việt (huyện Thới Lai), Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại địa ốc Quê Hương (quận Ninh Kiều)... Sau khi Cục Thuế ra thông báo, một số doanh nghiệp đã nộp đủ tiền thuế bị nợ nên được hủy tạm hoãn xuất cảnh.