Tài chính

Lãi suất huy động liên tục tăng, tiền mất hút đi đâu?

Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng liên tiếp tăng cao, lãi suất trên thị trường mở (OMO) lẫn lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thiết lập các tầng cao gần gấp đôi hôi đầu năm, và lãi suất huy động VND trên thị trường dân cư và tổ chức kinh tế cũng liên tục tăng những tháng gần đây.

CAO NHẤT LÊN TỚI 8,8%/NĂM

Sau hai năm xuống vùng thấp, từ khoảng giữa tháng 3 đến nay, mặt bằng lãi suất VND đã thay đổi rõ rệt khi hàng loạt ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động. Lãi suất kỳ hạn dài tại một số thành viên thậm chí đã được đẩy lên trên 8%/năm, đặc biệt là ở nhóm các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ.

Hiện ABBank đang là ngân hàng đang chào lãi suất cao nhất hệ thống, lên tới 8,8%/năm, tăng 0,5%/năm so với biểu lãi suất niêm yết trước đó. Đây là mức lãi suất dành cho các khoản tiền gửi 1.500 tỷ đồng trở lên cho kỳ hạn 13 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ.

Tại Ngân hàng Bản Việt, lãi suất tiền gửi cũng vừa được điều chỉnh tăng từ 0,2 điểm % đến 0,4 điểm % tại các kỳ hạn gửi từ 6 đến 12 tháng.

Đặc biệt, khách hàng gửi tiền kênh trực tuyến được hưởng lãi suất cao hơn 0,1% so với gửi tại quầy và lên đến 7%/năm. Đáng chú ý, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng, mức gửi từ 50 triệu đồng thời tham gia thêm bảo hiểm nhân thọ sẽ được cộng thêm 1% lãi suất. Theo đó, mức lãi suất cao nhất mà khách hàng có thể nhận được lên tới 8%/năm.

Ngân hàng SeABank đang chào mức lãi suất cao nhất là 7,85%/năm, áp dụng cho Chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VND với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng..

Một số ngân hàng khác cũng có mức lãi suất huy động cao nhất ở mức trên 7%/năm bao gồm SCB với 7,55%/năm, tại Kienlongbank là 7,3%/năm, tại Techcombank là 7,1%/năm, tại BacABank là 7%/năm,…

Trên thực tế, mức lãi suất mà khách hàng được hưởng có thể còn cao hơn so với mức ngân hàng niêm yết thông qua các chương trình khuyến mãi cũng như cộng thêm phần trăm lãi suất dành cho gửi online. Lãi suất huy động theo đó được đã quay trở lại mặt bằng của tháng 11/2020.

TIỀN MẤT HÚT ĐI ĐÂU?

Câu hỏi trên đặt ra khi nhìn một cách trực quan: nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã cạn room tăng trưởng tín dụng từ tháng 4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa nới thêm, đầu ra theo đó tạm kẹt nhưng lãi suất huy động vẫn liên tục tăng để hút vốn đầu vào.

Trước hết, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 6/2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 9,35%, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ năm trước là 6%. Điều này cho thấy nhu cầu tín dụng tăng mạnh nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh quay trở lại sau đại dịch.

Tuy nhiên, tới cùng thời điểm trên, huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới chỉ tăng 4,51%, chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Lượng hóa con số tăng trưởng trên, trong 6 tháng đầu năm, lượng tín dụng bơm mới vào thị trường đạt hơn 980 nghìn tỷ đồng, trong khi đó chỉ khoảng hơn 450 nghìn tỷ được huy động thêm từ dân cư và các tổ chức kinh tế.

Rõ ràng, nhu cầu tăng trưởng tín dụng đang vượt xa so với khả năng cân đối vốn của các nhà băng.

Hai tháng gần đây, dữ liệu cập nhật cho thấy tăng trưởng tín dụng đã chậm lại. Thực tế nhiều nhà băng đã cạn room trong khi chỉ tiêu chưa được nới. Nhưng guồng quay hút vốn vẫn được đẩy cao tốc độ qua tăng lãi suất. Ngoài chênh lệch tăng trưởng huy động và cho vay nói trên, một phần vốn lớn đã bị khê đọng ở nợ xấu theo xu hướng tăng cao từ đại dịch COVID-19 đến nay.

Thứ nữa, thời hạn hệ thống thực hiện giảm giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 37% xuống 34% từ 01/10 tới đã gần kề, những thành viên gặp khó khăn trong đáp ứng yêu cầu này càng phải ra sức huy động được vốn để cân đối.

Đặc biệt, theo dữ liệu NHNN công bố vừa qua, tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng trưởng vượt trội (trên 14%) chỉ sau 7 tháng đầu năm cũng tạo áp lực gia tăng huy động cho cân đối kỳ hạn và cơ cấu nguồn. Bởi lẽ phần lớn tín dụng lĩnh vực này là trung dài hạn, gắn với áp lực giảm giới hạn nói trên.

Về tổng thể, nguồn tiền trong hệ thống cũng "mất hút" đi khi NHNN bán ra lượng lớn ngoại tệ để bình ổn tỷ giá (quy mô lớn được một số công ty chứng khoán cập nhật thời gian gần đây).

Theo giới phân tích, đà tăng lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục trong quý cuối cùng của năm, khi nhu cầu vốn tăng nhanh mùa cao điểm. NHNN cũng đã công bố kế hoạch nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các NHTM, đầu ra nới thì nhu cầu hút vốn chuẩn bị cho đoạn tăng trưởng mới cũng là một yếu tố.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm