Chủ quán này cho biết anh tham gia Pi Network từ 2021, khi thông tin về tiền ảo này xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Đến giữa 2022, anh bắt đầu tận dụng sức hút của nó để đưa vào việc kinh doanh.
Tuy nhiên, người này cũng thừa nhận hình thức "tặng" là để lách luật vì tiền ảo chưa được phép giao dịch tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cà phê là một trong số ít món đồ được trao đổi bằng Pi, không phải toàn bộ danh mục kinh doanh của quán.
Thế Minh (Quảng Bình) cũng mở một cửa hàng chuyên bán điện thoại, máy tính cũ và cho mọi người sử dụng Pi để "trao đổi" lấy thiết bị. "Máy tính và điện thoại sẽ được thanh toán bằng 50-80% tiền mặt, số còn lại thỏa thuận đổi bằng 500-2.000 Pi tùy cấu hình, đời máy và độ mới", anh Minh cho biết.
Việc thanh toán bằng Pi bắt đầu diễn ra từ tháng 7/2022 khi dự án Pi Network bước vào giai đoạn "mainnet kín", tức người dùng có thể chuyển Pi giữa các tài khoản với nhau. Theo quản trị viên của một group Facebook với 200.000 thành viên, các chủ đề "trao đổi Pi lấy hàng hóa" nở rộ vài tháng gần đây so với năm ngoái là do xuất hiện hàng loạt website được lập ra ở nước ngoài cho phép trao đổi "đồng thuận" bằng Pi.
"Để qua mặt cơ quan quản lý, hai bên sẽ 'tặng' Pi cho nhau và cảm ơn bằng một món quà, hoặc 'trao đổi đồng thuận', chứ không không gọi là giao dịch, mua bán, thanh toán", một quản trị viên cho hay.
Một số khác sử dụng chiêu thức cho người dùng đặt hàng sản phẩm, trong đó có thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, máy ảnh từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc, bằng cách "đặt cọc" bằng tiền ảo Pi. Hàng hóa sau khi về nước sẽ được trả một phần bằng Pi, còn lại là tiền mặt. Điểm chung là bên bán chỉ chấp nhận trả một phần bằng Pi, thường không quá 50% với món hàng nhỏ và không quá 15% với món hàng giá trị lớn.
Theo quy định, việc giao dịch hàng hóa bằng tiền ảo là vi phạm pháp luật Việt Nam, do đó người tham gia - cả bên bán và bên mua - có thể đối mặt rủi ro pháp lý. Hiện chưa ghi nhận trường hợp giao dịch bằng Pi bị xử lý. Tuy nhiên cuối tháng 6, thiếu tướng Lê Xuân Minh, Phó cục trưởng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), cho biết cơ quan này đã bắt đầu phối hợp với công an địa phương điều tra hoạt động liên quan đến Pi.
Pi Network ra đời đầu năm 2019 và rộ lên tại Việt Nam từ 2021 nhờ hình thức khai thác bằng cách "điểm danh" trên smartphone. Tiền ảo này nhiều lần bị cảnh báo thiếu tính minh bạch của một dự án blockchain, thậm chí không loại trừ khả năng lừa đảo, có thể được tạo để thu thập thông tin người dùng.