Mới đây, nam bệnh nhân ở Hải Dương (80 tuổi), đột ngột ngừng tim, ngưng thở tái diễn nhiều lần, lần dài nhất hơn 40 phút, đã được các bác sĩ khoa Hồi sức Tim mạch của Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện huyện Kinh Môn, Bệnh viện đa Khoa tỉnh Hải Dương cấp cứu và điều trị thành công.
Ông có tiền sử bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Sau hơn 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo và tiếp xúc tốt.
Theo lời kể của gia đình, 5 giờ sáng ngày 6/8/2022, bệnh nhân đang đi thì đột ngột ngã quỵ, đau ngực trái dữ dội, kèm theo khó thở. Bệnh nhân được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện huyện Kinh Môn lúc 7h sáng trong tình trạng tỉnh táo. Vài phút sau, bệnh nhân đột ngột xuất hiện ngừng hô hấp, tuần hoàn. Ngay lập tức, bệnh nhân được BS Lê Thế Tiến và các đồng nghiệp cấp cứu hồi sinh tim phổi, sau hơn 40 phút ép tim liên tục, điều thần kỳ đã xảy ra, tim bệnh nhân đập trở lại, mặc dù vẫn phải thở máy và dùng thuốc an thần.
Nhận định tình trạng của người bệnh vô cùng nặng nề, các bác sĩ tại Bệnh viện 108 đã kích hoạt tình trạng "báo động đỏ" với mục tiêu chụp động mạch vành và tái tưới máu vùng nhồi máu cơ tim càng sớm càng tốt. Nhóm cấp cứu liên viện xác định đây là một trường hợp nhồi máu cơ tim biến chứng sốc tim, ngừng tuần hoàn, rối loạn nhịp thất phức tạp, suy hô hấp thở máy; nguy cơ ngừng tim tái diễn và tử vong rất cao.
Các phương án và dụng cụ can thiệp động mạch vành, các phương tiện hỗ trợ hồi sức tim mạch hiện đại như bóng đối xung động mạch chủ (IABP), hệ thống trao đổi oxy hóa màng ngoài cơ thể (VA-ECMO) được triển khai ngay tại phòng can thiệp. Với sự chủ động và sẵn sàng như vậy, thời gian khi bệnh nhân đến bệnh viện đến khi can thiệp chụp và tái thông động mạch vành (thời gian cửa – bóng) chỉ trong đúng 30 phút (theo hướng dẫn của Hội tim mạch Mỹ thời gian cửa – bóng tối ưu là
TS Đặng Việt Đức, Khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện 108, cho biết ca cấp cứu, điều trị thành công này là một kỳ tích thực sự đối với bệnh nhân và nỗ lực của cả ê kíp. Mặc dù bệnh nhân ngưng tuần hoàn nhiều lần, nhưng với hệ thống báo động đỏ liên viện, tất cả được vận hành hoàn hảo.
Bác sĩ Phạm Sơn Lâm, thành viên ê kíp cấp cứu, cho biết sau 30 phút tiến hành can thiệp mạch vành cấp cứu, bệnh nhân vẫn tiếp tục xuất hiện ngừng tuần hoàn nhiều lần. Các bác sĩ phải chạy đua từng giây để cấp cứu người bệnh. Nếu không kịp thời chắc chắn người bệnh sẽ không qua khỏi, hoặc nếu sống thì tổn thương não không hồi phục, người bệnh sẽ sống với trạng thái "thực vật" suốt đời. Do đó, để có thể cấp cứu hiệu quả, đòi hỏi các bác sĩ phải rất khẩn trương, xử trí nhanh chóng và chính xác, BS Lâm nói thêm.
Số người đột quỵ ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa.
Một trường hợp khác được cấp cứu tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, nam bệnh nhân 40 tuổi trong tình trạng cực kỳ nguy kịch: hôn mê rất sâu, thở bằng máy thở, huyết áp tăng rất cao cần dùng thuốc kiểm soát liên tục. Được biết, khi đang làm việc tại cơ quan, bỗng nhiên bệnh nhân bị đau đầu khủng khiếp rồi gục xuống ghế trong tình trạng lơ mơ và nôn trớ. Đồng nghiệp vội đưa bệnh nhân đến Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, anh được chẩn đoán chảy máu não.
Khai thác tiền sử được biết, nam bệnh nhân hàng tuần hay đi uống rượu bia cùng bạn bè. "Với chiều cao 1,70m, nặng 80kg, BMI là 27,7, nam bệnh nhân bị tăng huyết áp nhưng không điều trị đều", các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ cho biết.
Nhận thấy bệnh nhân khởi phát đột quỵ được 8 tiếng, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật, tiến hành mở 1 mảnh sọ bỏ ra ngoài, lấy gần toàn bộ máu trong não thất, sau đó đặt một ống dẫn lưu máu từ não thất ra bên ngoài.
Ngày thứ 2 sau phẫu thuật, nam bệnh nhân tỉnh lại gần như hoàn toàn. Đến ngày thứ 3 anh rút được ống thở, để tự thở. Dẫn lưu não thất được rút vào ngày thứ 4. Anh được tập phục hồi chức năng hàng ngày ngay tại giường bệnh. Và đến hôm thứ 7 bệnh nhân đã đứng dậy, đi lại được tốt.
Làm gì để phòng đột quỵ?
Các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) khuyến cáo có rất nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ não hiện nay, như bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, lối sống ít vận động, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia. Ngoài ra, còn có các yếu tố liên quan tới di truyền, bất thường về mạch máu hoặc tình trạng đông máu. Do đó, để phòng tránh đột quỵ, các bác sĩ cho rằng mọi người nên:
- Khám sức khỏe định kỳ, tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ để điều trị kịp thời.
- Tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh như tích cực tập thể dục thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, bia rượu và nên bỏ thuốc lá.
- Có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh tình trạng stress, mất ngủ kéo dài.
- Nếu trong gia đình có người từng có bất thường về mạch máu, tăng đông máu, mọi người nên tìm kiếm sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ.
Tất cả mọi người, kể cả những người trẻ tuổi, khi có các dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, nôn, mất ngôn ngữ, méo miệng, yếu chân tay,… hãy đến ngay các cơ sở y tế bởi rất có thể đó là dấu hiệu của đột quỵ não cấp.