Cụm từ “nghỉ hưu sớm” đã không còn xa lạ với mỗi người chúng ta. Ngày nay, không chỉ thế hệ gần đến tuổi trung niên mà thậm chí người trẻ cũng bắt đầu lên kế hoạch nghỉ hưu cho bản thân. Họ mong muốn được dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè và bản thân sau những chuỗi ngày làm việc vất vả.
Trên thực tế, nghỉ hưu sớm không có nghĩa là ta phải dừng toàn bộ công việc lại. Đó có thể đơn giản là ta thôi việc hành chính 8 tiếng mỗi ngày, tập trung vào các công việc tay trái, theo đuổi ước mơ hay sống với thu nhập thụ động. Đó sẽ là cơ hội để có thêm khoảng trống và dành thời gian chăm sóc gia đình, thực hiện các chuyến du lịch vòng quanh thế giới, thăm hỏi bạn bè ở xa - những việc mà ta đành phải bỏ qua trước kia vì quá bận rộn.
Thế nhưng, để có thể rời bỏ công việc ổn định, an tâm nghỉ hưu mà không còn gánh nặng tài chính, mọi người cần có kế hoạch cẩn trọng và suy nghĩ thấu đáo. Theo chuyên gia, bạn cần có ít nhất 4 dấu hiệu tài chính sau đây để cho thấy bản thân đã sẵn sàng cho việc nghỉ hưu sớm:
Không còn đau đầu lo trả nợ hàng tháng
Để có thể nghỉ hưu sớm, việc đầu tiên mà ta cần thực hiện chính là trả hết các khoản nợ càng sớm càng tốt. Về cơ bản, nếu hàng tháng bạn vẫn còn “nặng gánh” chi tiền cho hàng loạt khoản trả góp như tiền mua nhà, mua xe… thì bạn rất khó đảm bảo một kế hoạch tài chính an toàn và bền vững. Các khoản nợ nần và chi phí phát sinh sẽ khiến tài chính của ta gặp áp lực lớn.
Đây là thời điểm nên tiếp tục làm việc và gia tăng thu nhập, chứ không phải nghỉ hưu để hưởng thụ cuộc sống. Hãy tạm hoãn ước mơ tận hưởng những ngày tự do không phải đi làm công sở. Đến khi nào chi trả hết khoản nợ, hoặc ít nhất là thanh toán xong 80 - 90%, bạn hãy tính toán đến chuyện nghỉ hưu.
Có ngân sách nghỉ hưu đầy đủ và chi tiết
Các chuyên gia tài chính không ngừng nhấn mạnh rằng, nghỉ hưu không có nghĩa là bạn từ bỏ tất cả công việc và các khoản thu nhập. Bên cạnh việc dành thời gian cho bản thân, bạn vẫn có thể phát triển sở thích, ước mơ, các công việc tay trái mà mình chưa có cơ hội khám phá. Đồng thời, bạn cũng vẫn cần tiếp tục duy trì các khoản thu nhập thụ động. Có như vậy, bạn mới nghỉ hưu “bền vững” được.
Đồng thời, việc nghỉ hưu cần được lên kế hoạch kỹ càng và chi tiết chứ không phải chuyện cứ nói là làm. Bạn cần phải ý thức được mình cần bao nhiêu tiền để sống thoải mái sau này, rồi lập ra một ngân sách tương ứng. Tất nhiên, thoải mái ở đây là tùy thuộc vào tình hình chi tiêu thực tế và cảm nhận của cá nhân. Đây là một điều vô cùng cần thiết để đảm bảo chất lượng cuộc sống sau khi nghỉ hưu.
Ngân sách này càng tỉ mỉ thì càng có lợi cho bạn. Các khoản tiền cần thiết bao gồm chi phí sinh hoạt thiết yếu hàng tháng, các khoản tiền nhất định phải trả, các khoản tiền cho sở thích và mong muốn cá nhân. Tổng số tiền ấy sẽ tạo thành chi phí ước tính hàng tháng về một cuộc sống nghỉ hưu thoải mái mà bạn đang hướng tới.
Sau đó, để xác định bản thân có thể trang trải tất cả chi phí đó sau khi nghỉ hưu hay không, bạn cần liệt kê những khoản thu nhập còn lại. Đó có thể là tiền lương hưu từ chế độ an sinh xã hội, tiền lãi đầu tư hay bất kỳ nguồn thu nhập nào khác. Một số chuyên gia cho rằng, để đảm bảo cuộc sống không bị “thụt lùi” về cả lượng và chất, ta nên chuẩn bị số tiền đạt mức 70-80% thu nhập so với trước khi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, hãy đặc biệt chú ý đến tỷ lệ lạm phát và các khoản chăm sóc y tế.
Tiết kiệm và đầu tư an toàn
Để sở hữu ngân sách nghỉ hưu, tiết kiệm là một yếu tố không thể bỏ qua. Nó đóng vai trò cốt lõi trong toàn bộ kế hoạch tài chính cá nhân của bạn.
Đồng thời, chúng ta cũng cần tập trung vào các khoản đầu tư. Đây là giai đoạn nên điều chỉnh danh mục đầu tư của mình hướng đến sự an toàn, có chiến lược thận trọng hơn. Hãy tạm gác lại những pha đầu tư mạo hiểm dù điều đó có nghĩa là lãi suất và lợi nhuận sẽ giảm bớt phần nào. Nhưng yếu tố ổn định và an toàn sẽ được duy trì, có ích lợi hơn để đảm bảo kế hoạch nghỉ hưu.
Có được sự đồng thuận từ bạn đời
Hãy bàn bạc kỹ lưỡng với bạn đời trước khi quyết định nghỉ hưu sớm vì điều đó có thể trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống của những người thân. Trong trường hợp nếu bạn còn độc thân thì chắc chắn điều đó sẽ chẳng ảnh hưởng đến ai cả. Thế nhưng, nếu đã có vợ / chồng và con cái thì đó không còn là vấn đề của riêng bạn nữa.
Do đó, cần thảo luận để xem việc giảm thu nhập của ta ảnh hưởng đến cuộc sống ra sao. Nếu bạn đời đồng ý, quá trình chuẩn bị tài chính của bạn sẽ tốt đẹp hơn. Đặc biệt, nếu bạn đời cũng sẵn sàng nghỉ hưu cùng, gia đình sẽ có một quãng thời gian tuyệt vời khi hai người cùng nhau tận hưởng cuộc sống.
Tuy nhiên, nếu người kia dự định làm việc thêm vài năm nữa, hãy chuẩn bị tinh thần rằng ta sẽ phải đối mặt với sự đơn độc và lẻ loi. Sau cùng, trước khi nghỉ hưu, hãy thảo luận cùng vợ/chồng của bạn để đưa ra quyết định đúng đắn và hài hòa nhất.
*Theo Ap Network